TỰA TUỒNG SÂN KHẤU
Tác giả Viễn Châu
Nói Lối:
Nghĩ tức tối mấy đêm rồi không ngủ được,
Giận cô Hai lùn đã Lỡ Bước Sang Ngang,
Để thân tôi như Kiếp Hoa Tàn,
Đành ôm hận với Cung Đàn Vĩnh Biệt.
Vọng cổ
Câu 1: Bỗng một hôm tôi gặp nó đang ngồi ăn bún riêu ở tại chợ Cầu Ông Lãnh tôi liền cất tiếng kêu rằng: " Hai ơi! Nỡ nào em vội bỏ anh ra đi như Thuyền Ra Cửa Biển để cho tình ta tan vỡ như Lương Sơn Bá, Chúc Anh.......Đài." Nghe tôi kêu nó liền quay lại nhìn tôi mà vỉnh cặp lông mày. Tôi lật đật chạy đến chưa kịp nói câu gì thì nó liền bỏ đi ngoe ngoải, vẻ mặt oai hùng như Cô Gái Đồ Long. Tôi liền theo năn nỉ, " Có gì đâu mà em giận anh như thế? Tình anh đối với em lúc nào cũng tràn đầy như Tấm Lòng Của Biển. Thì nỡ nào em lại đối với anh quá cay đắng nặng nề như Song Long Thần Chưởng."
Câu 2: Thấy nó có mòi bớt giận nên tôi năn nỉ tiếp, " Xin em đừng giận vì lúc nào anh cũng muốn đôi ta được Đẹp Duyên Chùa Tháp, và xây đắp tình ta trong Manh Áo Quê Nghèo. Dù cho anh có phải phơi thây ngoài Vạn Lý Trường Thành. Hoặc làmCánh Chim Trời bạt gió, hay là Hoàng Đế Của Thây Ma. Anh cũng vẫn một lòng yêu em mãi mãi, và nguyện xây hạnh phúc bên Chân Trời Mới. Anh tặng nàng Hai Chuyến Xe Hoa, đượm hương tình trong Nửa Bản Tình Ca."
Câu 3: Nghe tôi năn nỉ một hồi nó liền nói, " Không phải tôi chê anh nghèo khổ gì hết á, mà tôi chỉ ghét anh có cái tánh lưu manh, hung dữ hà." Tôi liền trả lời, " Không, không phải đâu em à. Xin em đừng nghĩ lầm như thế, anh không bao giờ hung dữ như Lệnh Xé Xác, hay Người Giết Mướn, hoặc Người Đao Phủ, mà sự thật thì anh hiền hoà như Phật Tử Hốt Phi.Còn em thì dịu dàng như Nụ Cười Sư Nữ, với một tâm hồn của Người Mẹ Việt Nam. Em như Người Đẹp Tô Châu, còn anh dũng cảm như Anh Hùng Xạ Điêu, cùng nhau xây đắp tình yêu, Nửa Đời Hương Phấn khỏi cô liêu lạnh lùng.
Nói Lối:
Tôi lo sợ cho Hai Chiều Ly Biệt,
Sợ con vợ nhà nó ôm gói theo trai,
Sợ nó sống lang thang như Bà Chúa Ăn Mày,
Sợ nó vất vả như Người Không Mẹ
Vọng cổ
Câu 4: Nhưng nó cũng bỏ tôi để tìm Đường Lên Xứ Thái, tôi chỉ đứng nhìn theo mà lệ đổ như Mưa . . . . Rừng. Lệ thảm đầy vơi như Nước Mắt Kẻ Sang Tần. Sống cảnh cô đơn sầu lên ngọn cỏ, gởi tâm hồn theo Lá Của Rừng Xanh. Từ nay Đôi Mắt Người Xưa không còn thấy nữa, đã đi rồi theo Vó Ngựa Đêm Trăng. Anh đợi em Hai Mùa Thu Lạnh, chỉ nghe trống hoàng hôn bên Vườn Hạnh Sau Chùa.
Câu 5: Anh còn nhớ lúc trước gần đến ngày cưới em mà không có một đồng ten dính túi, phải vay tiền xăng xít, đít đuôi, và vàng sáu bạc mười. Dù biết họ cho vay ăn lời thắt họng nhưng anh đây vẫn tươi cười. Vì anh quý em như Tình Nàng Ca Kỷ, như Cô Giáo Hiền, như Người Đẹp Bạch Hoa Thôn. Và chính em đã nói với anh khi hai ta yêu nhau thì dù cho ai có Đồ Long Đao hay Gươm Ngũ Đế cũng không dễ gì chia rẻ, thế mà nay em lại đem lòng bội phản. Để năm canh Bụi Mờ Ải Nhạn, để tình ta theo nước chảy qua cầu.
Câu 6: Đêm nay anh ra Dưới Cội Bồ Đề nhìn Trăng Sương Cầu Trúc, gởi tâm tình theo Tiếng Trống Sang Canh, bỗng từ xa vài tiếng cú rúc lên nghe rợn người nhưHồn Ma Báo Oán, gió thổi rì rào như Quỷ Bão phong ba. Nhìn Sương Mù Trên Non Cao mà tâm bào, ruột thắt, khiến anh nhớ lại Hai Trăm Đêm Chia Ly dài đăng đẳng, nhớ lại bóng hình em như Con Gái Chị Hằng.
Em đà Lỡ Bước Sang Ngang,
một trang tình sử của nàng đã qua.
Anh yêu Cô Gái Sông Đà,
Mắt Em Là Bể Oan Cừu ngàn thương ./.
Ghi chú: Tên tuồng cải lương đã được tô màu, hiện giờ có tuồng không còn lưu hành nên nghe cũng xa lạ, hichic
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: