5 NGƯỜI VỢ
Soạn giả Viễn Châu
Nói lối:
Anh Ba ơi anh hỏi tôi có bao nhiêu vợ
Tôi vội vàng lấy sổ ra coi.
Từ năm hai mươi cho tới năm mươi
Tôi có tất cả là năm con vợ.
VỌNG CỔ:
Câu 1:
Con vợ thứ nhứt nó ở trên Cần Đước, con của bà Ba Son bán mắm ruốc ở ngang... đình. (-)Tôi cưới nó năm trước, thì qua năm sau cái bụng nó chình ình. (+) Con nhỏ này tôi coi thượng hạng nhứt nghe anh Ba, ngặt có điều nó có tật sứt môi. (SL) Mỗi khi nó ngồi gần tôi thì nó nói cho một hơi: “Ình ơi, ui ương ình ương iệt à ương, ái ình ui ương ình như ời cao khăm khẳm" (+)./-
Câu 2:
Sau khi nó đau bịnh cúm chết đi, tôi cưới thêm một con nữa. Con này nó cà lâm, thiệt hết sức bực mình. (-)(-) Con này rất thương tôi và giỏi việc gia đình. (+) Mỗi khi nó muốn nói chuyện gì thì mùng 1 nó nói một câu, rằm nó mới nói thêm một tiếng. (SL) Bữa nọ, có cậu Tám ở dưới huyện Duyên Hải ghé thăm, từ nhà bếp nó chạy ra chào hỏi: Dạ... thưa... thưa... cậu... c... cậu... Tám... cậu... cậu... mới... qua chơi./-
Câu 3:
Khi con vợ cà lăm chết đi, tôi mới cưới thêm con vợ thứ ba. Con này nó ăn hàng cách nào làm tôi thiếu điều tàn mạt. Mới tảng sáng khi vừa thức dậy, nó điểm tâm một tô hủ tíu, rồi một tô cháo lòng. Ăn xong, nó tráng miệng sơ sơ 2 cái bánh bao với 4, 5 cái dầu cháo quảy. Trưa ngủ dậy, khi nghe ngoài cửa có tiếng rao nem nướng. (SL) Nó kêu vô ăn hết mấy chục viên. Vừa ăn xong, thấy xe bán sầu riêng, nó chạy ra làm một mách hết trơn 2 ký. Từ sáng tới khuya, tôi lấy sổ ra tính thử thì nó làm tiêu hết 4 trăm đồng.
Nói lối:
Ba con vợ rủ nhau chết hết
Nghĩ phận mình vô phước hơn ai.
Bởi vậy chết bao nhiêu tôi cứ cưới thêm hoài
Tôi tính cưới thử coi chừng nào nó hết chết.
VỌNG CỔ:
Câu 4:
Khi con vợ thứ ba nó chết vì trúng thực, cõi trần gian tôi ở lại có một... mình. (-)(-) Tôi sống buồn hiu như một kẻ thất tình. Sau đó, tôi cưới con vợ thứ tư. Con này rất hiền lành, nhưng nó lại mang bịnh suyễn kinh niên. (SL)
Ngâm Vân Tiên:
Vợ này là vợ oan gia
Chạy thầy chạy thuốc thiệt là hết hơi.
Nằm đêm thật khổ cho tôi
Khuya khuya tới cữ nó kéo thôi (nghe) ồ ồ.
Câu 5:
Bốn con vợ rủ nhau chết hết. Bởi có câu: “Phu thê số định do... Trời”. (-)(-) Cái số vô duyên nên phải chịu thiệt thòi. (+) Buồn quá, đêm nọ tôi ra rạp coi hát cải lương. (SL) Tôi thấy vợ người ta sao văn võ song toàn, cỡi ngựa cầm thương, ca ngâm lảnh lót. Còn vợ của mình đứa méo miệng, đứa cà lâm, đứa ham ăn tới chết đứa thì mang bịnh suyễn qua đời./-
Câu 6:
Sau đó, tôi cưới thêm con vợ thứ năm. Con này cao bồi một cây và nhảy đầm cũng số dách. Tối ngày nó rủ đám bè bạn của nó, trai có gái có, kéo lên gác nhảy tới nhảy lui xàng qua nhún lại. Nó còn hát nữa chớ. Nó hát:
Em nay đã biết yêu anh rồi.
Tình càng thắm với tình nồng say
Bam-bi-nô, bam-bi-nô...
Tôi tức giận ứa gan, leo lên lầu đạp cho mấy đạp, rồi đuổi nó đi tuốt luốt khỏi nhà. (SL) Anh Ba nghĩ coi: Vợ méo miệng, vợ cà lăm, vợ ham ăn, vợ bịnh suyễn còn không ở được, thà là tôi ở giá một mình chớ đâu có màng cái thứ vợ đăng-xê./.
---------------------
(+): Mình ơi tui thương mình thương thiệt là thương, cái tình tui thương mình như trời cao thăm thẳm.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: