BÁT CƠM CÚNG MẸ
Soạn giả Viễn Châu
Lối:
Đã lâu con chẳng về quê mẹ
Bếp lạnh tàn tro, phủ bụi mờ
Cỏ vượt tường rêu lao lách ngỏ
Mối đùn vách lá nhện giăng tơ.
Vọng cổ
1/ Cho đến rặng bàng thưa cũng gục đầu trong ngỏ tối, lá xanh xao buông vội rớt trên... thềm. Nhà cũ giờ đây đã khói lạnh hương tàn. Công sanh dưỡng như trời cao biển thẳm mà lúc tuổi già có nhờ cậy gì con. Năm tháng chất chồng trên vầng trán héo hon. No đói ốm đau mẹ vẫn một mình. Lũy tre già chôn chặt một thời xuân. Mẹ sống giữa cô đơn rồi chết mòn trong bóng tối.
2/ Ngày xưa vừa mới canh năm, mẹ đã thức dậy bưng đèn thổi rơm. Rửa nồi, xúc gạo nấu cơm, mùi hương gạo mới, mùi hương quê nhà. Con thấy mà thương công khó của mẹ già. Mắt ràng rụa vì khói cay củi ướt, mẹ tươi cười trao chén cơm ngon. Ăn cho no rồi đi học đi con, mẹ còn phải ra đồng giậm lúa. Con cắp sách đi ra tới ngõ, còn thấy mẹ hiền đang tựa cửa nhìn theo.
Lối
Con đò nhỏ xuôi dòng qua xóm vắng
Nắng thu vàng soi mặt nước trường giang
Xóm làng xưa sao đượm vẻ hoang tàng
Mùi hương khói mơ màng bay trước gió.
4/ Văng vẳng tiếng gà trưa như gieo một nổi buồn xa vắng, vài chiếc lá sầu đâu rơi rụng xuống ao... bèo. Nhớ những ngày thơ con sống giữa quê nghèo. Đêm ba mươi Tết dưới ngọn đèn mờ tỏ, mẹ vẫn còn ngồi may áo mới cho con. Chờ đợi lâu con mòn mỏi ngủ quên, mẹ cũng tựa bên vách gục đầu thiu thỉu. Bên hàng xóm mùi hương trầm thoang thoảng, mọi người đang làm lễ đón giao thừa.
5/ Khơi mớ tro than con nhóm xong bếp lửa, khói bay lên tuôn đổ lệ thâm tình. Nấu mâm cơm con khấn vái một mình. Mớ rau đắng nhổ bên thềm nhà cũ, cọng cải trời rửa nước lạnh cầu ao. Tiêu Hà Tiên trộn muối Bạc Liêu, gạo đất đỏ chụm củi bần Rạch Giá. Con cúng mẹ bằng hương xưa vị cũ, để ngàn năm vẫn nhớ nghĩa sanh thành.
6/ Mẹ ơi ! Con để tang mẹ bằng nhung lụa trắng, mà mẹ vẫn mang nó theo mình trong nếp tả tơi. Mẹ bảo khúc lụa đó là chiếc áo cô dâu, mà mẹ còn giữ nó từ ngày xuất giá. Nửa kiếp làm dâu trọn đời làm mẹ. Nước mắt nhiều đêm thắm ướt vai gầy. Con cúng mẹ với cơm trắng canh rau. Mùi gạo mới lẫn trong mùi hương khói. Rưng rưng đôi mắt lệ mờ. Biết đến bao giờ được gọi tiếng mẹ ơi.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: