LÁ BÀNG RƠI
Ngô Hồng Khanh
THƠ
Tôi trở về đây phố nhỏ ơi!
Người thương vắng bóng, lá bàng rơi ngập ngừng.
VỌNG CỔ
1/ Đèn phố về khuya vẫn rưng rưng như mắt người thương thao thức. Anh đếm buớc lẻ loi trên phố vắng thưa…người
Phố nhỏ còn đây mà người em gái nhỏ đâu rồi!
Đây lối của chiều nào ta chung bước, lá bàng rơi xào xạc lá bàng rơi.
Giờ anh về đã vắng bóng em ơi. Hỏi gió, gió rung cây, hỏi lá, lá đổ ngập ngừng.
Em đâu rồi cô gái thành đô? Hỏi ánh đèn khuya, đèn soi chiếc bóng.
2/ Đèn thương nhớ ai, đèn khuya thao thức; lá thương nhớ ai, lá đổ nghẹn ngào.
Mòn lối cô đơn trên phố cũ năm nào.
Nhìn lá bàng rơi, lá rơi phủ lối, nhớ lá rừng rơi dưới trăm trận bom rơi.
Đường Trường Sơn lá ngập lối anh đi, bao chiếc lá bấy bước chân người chiến sĩ.
Cô gái thành đô giã từ phố thị, phá núi mở đường ơi cô gái xung phong.
NÓI LỐI
Ơi lá bàng rơi, lá vẫn rơi
Đâu rồi hình bóng của em tôi?
Mai đây phố cũ vui mở hội
Giữa vạn niềm vui vắng em rồi!
VỌNG CỔ
5/ Anh trở về đây dưới đèn khuya phố vắng, xào xạc lá rơi nhớ lá rừng rơi thuở ấy. Những chiếc lá rơi thắm đỏ máu em tôi như mỗi trái tim…hồng.
Ơi những trái tim nâng bước quân đi trên vạn nẻo chiến trường.
Khi tiếng súng các anh nổ giòn như pháo Tết, em bỗng hóa thành én dệt trời Xuân.
Lá bàng rơi, từng chiếc lá bâng khuâng, những dấu chấm một mùa Đông lá chết.
Hay những bàn tay vẫy chào quá khứ mà lòng cứ bâng khuâng nên lá cũ ngập ngừng.
6/ Tôi trở về đây phố nhỏ ơi!
Người thương vắng bóng, lá bàng rơi ngập ngừng.
Anh đã nghe rồi, trong tiếng lá rơi có mầm xanh nẩy lộc, trong tiếng Đông tàn có bước Xuân sang.
Anh vẫn đứng đây như chiều Đông năm ấy, điểm hẹn tình yêu đôi bóng bên nhau.
Em gái mở đường, đường Trường Sơn còn đó, điểm hẹn thành đô, anh vẫn đợi em về.
Ơi lá bàng rơi, lá vẫn rơi
Đâu rồi hình bóng của em tôi?
Mai đây phố cũ vui mở hội
Nghe tiếng em cười trong tiếng lá rơi.
Soạn giả Ngô Hồng Khanh sinh năm 1945, là con trai của liệt sĩ Ngô Kim Hồng, ở ấp Bình, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè. Năm 1961, lúc đang học ở trường Trung học Tống Phức Hiệp (nay là trường Lưu Văn Liệt, TP. Vĩnh Long), Ngô Hồng Khanh đã tham gia hoạt động cách mạng hợp pháp tại xã nhà. Năm 1963, cán bộ của Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Nam (R) về huyện Cái Bè tuyển diễn viên, Ngô Hồng Khanh đăng ký đi và được tuyển thẳng về công tác tại đoàn văn công này. Đến năm 1972, Ngô Hồng Khanh được ra Hà Nội vừa học, vừa sáng tác ca cổ cho Đài Phát thanh Hà Nội và Đài Giải phóng. Năm 1974, anh tốt nghiệp khoa đạo diễn của Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam.
Sau giải phóng miền Nam, Ngô Hồng Khanh công tác ở Quân khu 9. Năm 1978, anh được chuyển ngành sang dân chính, làm Phó Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Hậu Giang (2 tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng sáp nhập thành tỉnh Hậu Giang từ năm 1976 - 1991). Khi chia tỉnh trở lại, Ngô Hồng Khanh là Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Cần Thơ, đại biểu Quốc Hội khóa IX, nhiệm kỳ 1994 - 1999; năm 1998 là Ủy viên Ban Thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Vụ trưởng Ban Văn hóa - tư tưởng Trung ương; đến năm 2007 được nghỉ hưu trí và đang ở TP. Hồ Chí Minh.
Quá trình hoạt động nghệ thuật, soạn giả Ngô Hồng Khanh đã sáng tác trên 50 vở cải lương, 600 bài vọng cổ ca ngợi tình quân - dân, tình đồng đội, những chiến công trong kháng chiến và những thành tựu trong xây dựng, phát triển đất nước; trong đó có những vở cải lương đã đoạt Huy chương Bạc trong các lần hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, toàn quân như các vở: Hoa đồng nước nổi (năm 1984); Mưa nguồn (năm 1985); Êm ả một dòng sông, Tình ca đêm chơi vơi (năm 1990); Loài hoa không tên (năm 1995)...
Ngô Hồng Khanh sáng tác nhiều bài vọng cổ hay, đã được nhiều nghệ sĩ tài danh ca thu thanh, thu hình phát trên sóng các đài phát thanh - truyền hình cả nước. Các hãng băng, đĩa cũng thu thanh, thu hình để kinh doanh. Nhiều thí sinh đã ca - diễn dự thi các cuộc hội diễn, hội thi vọng ca cải lương toàn quốc, khu vực, Giải "Bông lúa vàng" (2 năm 1 lần) và tuyển chọn giọng ca cải lương hàng tuần tại Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh đạt nhiều giải cao và khán, thính giả yêu thích, như các bài: Lời người hát rong, Đêm Quan họ, Thương em nhiều qua là thư xuân,Cung đàn mới, Cung đàn mùa hạ, Chiều sông Lô, Tiếng ru đêm, Trăng Cao nguyên, Mùa bông tràm... Riêng bài "Hương sen Đồng Tháp", ca ngợi xã Mỹ Lợi và tổ thương binh anh hùng tại xã này, do 2 nghệ sĩ tài danh Thanh Nhanh và Thanh Thoản ca.
Từ tháng 5-2008 đến nay, soạn giả Ngô Hồng Khanh làm Trưởng Ban Giám khảo các cuộc thi tuyển giọng ca cải lương, Giải "Bông lúa vàng" và thi giọng ca cải lương hàng tuần tại hội trường Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh, được trực tiếp truyền thanh từ 14-15 giờ 30 mỗi chiều thứ bảy hàng tuần.