NGHE EM HÁT ĐOẠN TRƯỜNG KIỀU
Hoàng Song Việt
Lối:
Tôi cũng là nghệ sĩ, nước mắt mồ hôi thắm đượm mảnh nhung y. Xuống ngựa lên xe cùng son phấn, Thiên đường lung linh sống trọn tuổi xuân thì. Em cũng là nghệ sĩ, bất chợt đêm nay đứng nhìn em hát, khúc đoạn trường Kiều nhoi nhói cả hồn tôi.
Vọng Kim Lang:
Ơi hỡi Kim Lang, trong khói sương mơ màng, thao thức nghe canh tàn mà thương nhớ năm xưa, bên mái hiên Lam Kiều cùng chàng đổi trao vầng thơ.
Bây giờ xa mờ trên đường thiên lý, bể dâu không ngờ làm cho tan vỡ giấc mơ xưa. Em đi lá hoa u sầu, chàng về úa phai vầng trăng. Nhân gian bước em qua cầu, đoạn trường khóc thương mình em.
Từ nay thôi nhé hết mong chi, sánh vai giữa mùa vu quy. Ân tình xưa đành quên đi, câu thủy chung em đành bội vong.
Vọng cổ:
Câu 1- Tôi với em kẻ trước người sau cùng hát say sưa bên vườn Lãm Thúy. Kiều đi, em cũng đi, nhưng câu hát ngày xưa em còn hát mãi đến bây … giờ
Cũng đèn màu tiếng nhạc mà sao khách tri âm quá hờ hững ơ thờ. Họ cười nói say sưa ngả nghiêng vì men rượu, còn tâm sự của nàng Kiều em hát để em nghe. Em có buồn không mà giọng hát bỗng mộng du:
Lý chiều chiều: Ôi kiếp hoa bẽ bàng, sao Trời gieo nhiều tang thương, thanh lâu gió dông phũ phàng.
(về vọng cổ) Em khóc cho ai mà lệ dài trên đôi má.
(Dặm) Kim lang ơi hỡi Kim lang, thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây.
Câu 2- Tôi cũng chợt nghe đôi môi mình mặn đắng, nhưng không phải như đêm nào trên sân khấu khi hóa thân vào thân phận nàng Kiều. Mà nước mắt đêm nay sao chua xót hơn nhiều. Và em lại hát:
Lý bông dừa:
Đưa người một chén quan hà, cầm tay trao gửi bao lời thở than. Rừng phong thu đã nhuốm màu, gió cuốn bụi hồng đơn bóng đường xa. Vầng trăng ai xẻ làm đôi, người soi dặm trường, người buồn chăn đơn.
(về vọng cổ) Thúc Sinh đi có Thúy Kiều đưa tiễn, ngày em đi lặng lẽ giữa cơn mưa. Em bỏ thánh đường im vắng để bán lời ca cho tiếng cười và men rượu cuồng say.
Phụng Hoàng (câu 5):
Vườn xưa, cỏ mọc lau thưa, sông trăng quạnh quẽ giấc mơ rã rời, trước sau nào thấy bóng người. Phía lầu son xập xòe én liệng. Rêu phong dấu giày, mặt đất cỏ lan. Bốn phía chung quanh, tiêu điều vắng lặng. Nỗi niềm riêng tâm sự nghẹn ngào. Ơi hỡi Kiều nương phiêu bạt phương nào?
Vọng cổ:
Câu 5-Nhớ kỷ niệm xưa tôi muốn được tắm mình dưới ánh đèn sân khấu, tiếng nhạc còn kia lời ca còn đó mà sao ta với ta như khách lạ ở ven… đường.
Chị xa Kiều vì sống tha hương nơi xứ lạ quê người. Nhưng tâm hồn và trái tim chị từng đêm vẫn hát, chị vẫn là Kiều trong tiềm thức của hồn tôi. Còn em, sao lại nỡ quay lưng? Kiều đã lận đận gian truân mà sao em lại mang Kiều tiếp tục đời sương gió. Vười Thúy có rêu phong úa tàn trên lối cỏ, nhưng vầng trăng trong vẫn soi tỏ ý thơ Kiều.
Câu 6- Vườn Thúy chàng Kim trở về tìm bóng bạn, thánh đường chờ em có trăm vạn khách tri âm. Ở đây đâu có những chàng Kim nho nhã, đâu có những Thúc Sinh chân tình, đâu có những Từ Hải hiên ngang để cùng em làm nên một thân phận một nàng Kiều gian truân mà thánh thiện. Về đi em, về để cùng tôi, cùng bè bạn tìm lại những phút giây huyền thoại trả ơn đời. Rồi em sẽ được hát bằng tiếng hát con tim, sẽ được người nghe bằng cả nguồn rung cảm. Thánh đường vẫn nguy nga lộng lẫy cho mỗi kiếp tằm trang trải vạn đường tơ.
Bút danh: Hoàng Song Việt - Phạm Thái Nguyên - Nguyễn Hoàng Minh Khôi - Nguyễn Phương Hồng Anh - Nguyễn Trung Thành ...
Soạn giả Hoàng Song Việt tên thật Võ Văn Xong, là một soạn giả cải lương từng giành nhiều giải thưởng tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Từ người nhắc tuồng, ông viết những bài ca lẻ, rồi trở thành người chỉnh sửa kịch bản cho các đoàn cải lương.
Năm 1992, hai kịch bản Giấc mộng không tên và Sám hối đã khiến ông gắn bó với nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Các tác phẩm nổi tiếng khác của Hoàng Song Việt được dàn dựng, biểu diễn: Kim Vân Kiều, Hoàng đế Quang Trung, Chiếc áo thiên nga...
Gần 30 năm dấn thân theo nghiệp sáng tác, đến nay, tác giả Hoàng Song Việt đã viết, chuyển thể được khoảng 100 vở cải lương, trên 700 bài ca cổ. Trong đó, có rất nhiều vở cải lương được các đơn vị nghệ thuật dàn dựng tham gia các kỳ liên hoan, hội diễn và đoạt được các thứ hạng cao.