NGƯỜI MẸ LAI HOÀ
Soạn giả Thanh Quang
(Viết về Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng Trịnh Thị Quắn - Ấp Năm Căn, Xã Vĩnh Tân, Thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng)
Lối
Hôm đó ba bị giặc bắn trọng thương
Đồng đội đưa về hậu cứ
Cái bữu đó con sông Năm Căn buồn lắm
Hạt mưa chiều lất phất xuống mặt…
Phụng Hoàng
- Sông…………..
Mẹ đi tìm ba ngày trời đầy mưa gió
- Nhớ thương ba lòng mẹ thêm đau xót.
Con cúm núm ngoài đồng, kêu buồn thảm quê hương.
- Rồi mẹ gặp được ba.
Tuy đã kiệt sức hơi tàn.
- Nhưng nụ cười của ba vẫn đầy niềm tin chiến thắng.
Long vẫn tự hào truyền thống quê hương…
- “Đừng khóc nữa bà ơi!
Tình hình tới đây cách mạng đổi thay rồi.
- Bà ráng lo cho đứa con út nên người.
Bởi nó còn nằm trong bụng mẹ.
- Chỉ tôi nghiệp nó chào đời, không biết được mặt cha.
Còn thằng Bé, thằng Long bà động viên nó hoàn thành nhiệm vụ”
- Trời ơi! Mẹ ôm ba khóc nức nở nghẹn ngào.
Ông ơi, hai đứa nó đã hy sinh rồi.
Vọng cổ
1. Đêm nay mẹ đứng trước vong linh của những người quá cố nghe gió ngoài hiên đưa lắc rắc hạt mưa… Buồn.
Mẹ ngồi đếm thời gian xếp thành chân lý, cội nguồn.
Lần đó lọt vào phục kích giặc bao vây.
Chiến đấu đến viên đạn cuối cùng rồi nó hy sinh
Bên con sông Thạch Sao chiều trôi lặng lẽ.
Mẹ khóc không còn nước mắt để rơi.
Bởi khóc đã nhiều rồi những đứa con nằm xuống.
2. Rồi mẹ cầm chiêc khăn tay còn thêu dang dỡ.
Của con gái mẹ tặng người yêu đi bộ đội lâu rồi.
Giặc đã giết con mẹ đâu còn nữa trên đời.
Mẹ biết nó thương thằng Nghiêm bên sông Vàm lẻo.
Hai đứa nó hẹn ngày độc lập thành duyên.
Đêm nay gió ngoài trời trở ngọn vào thu.
Nghe lá rớt như lời ru muôn thuở.
Mẹ thương con nhớ chồng đứt từng đoạn ruột.
Đêm gió thu buồn làm quặn thắt lòng đau.
Lối
Mẹ Trịnh Thị Quấn kính yêu ơi!
Mẹ là người mẹ Việt Nam anh hùng dân tộc.
Người mẹ đất Lai Hòa giữ trọn thủy chung.
Mẹ đã thức bao nhiêu đêm dài cùng xứ sở.
Đã tiễn chồng rồi mấy bận tiễn con…
Vọng cổ
5. Chiều nay tôi đi trên cánh đồng Bồ Kệnh. Như thấy bóng dáng của người mẹ năm xưa, đưa tiễn chồng, con đi đánh giặc năm giữ quê… nầy.
Ôi! Gần hết đời mẹ khổ đau chưa được chén cơm đầy.
Mẹ như thân cò trên đồng lặn lội.
Thương con nhớ chồng đi bộ đội miền xa.
Nghe gió trở mùa lòng gọi thiết tha.
Mà thương mẹ chưa được một ngày hạnh phúc.
Mẹ đã đi trong lòng đời mơ ước.
Mẹ là bầu trời xanh trong vắt rạng ngời.
6. Cây thuốc vũ trước mộ mẹ chiều nay sương xuống lạnh
Khiến lòng con khẽ chạnh thoáng bơ vơ.
Bông cúc vàng hé nở gợi hồn thơ.
Từng sợi gió rít lên thành tiếng nhạc.
Mẹ ơi! Ai đã viết trường ca người mẹ.
Chắt cạn giọt tình tô thắm quê hương.
Thằng Út con của mẹ giờ đây thành cán bộ.
Cùng với bà con xây dựng quê nhà.
Chiều nay ngoài bờ đê ai hát.
Nghe trong lòng vời vợi nhớ người xa.
Cả đời mẹ vì quê hương xứ sở.
Mẹ là hình dáng quê nhà, ngàn thuở mẹ ơi.
Bạc Liêu, 17/4/2005
* Bài hát liên quan viết về mẹ Trịnh Thị Quắn:
1. Mẹ Trịnh Thị Quắn - Tác giả Sông Vàm Lẽo.
2. Người mẹ Anh hùng - Tác giả Phạm Huỳnh Luân.
Tiễn biệt một tài hoa: Soạn giả Thanh Quang
Nhắc đến soạn giả Thanh Quang, người yêu cải lương và đờn ca tài tử không thể nào quên những bài vọng cổ nổi tiếng như “Tiếng suối Cam Ly” hay “Mẹ Nguyễn Thị Xinh”. Hôm nay, chúng ta ngậm ngùi tiễn đưa một tài hoa, một người nghệ sĩ tận hiến cho nghệ thuật, vĩnh biệt cuộc đời ở tuổi 83.
Thanh Quang, tên thật là Phạm Hồng Khanh, sinh năm 1942 tại xóm Rạch Bà Mốp, bên dòng sông Trẹm hiền hòa (nay thuộc huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau). Cuộc đời ông là hành trình gian khó nhưng đầy cống hiến. Khi mới 18 tuổi, ông đã tình nguyện vào chiến khu làm công tác tuyên huấn, sau đó lãnh đạo Đoàn Văn công huyện Trần Văn Thời và nhiều năm giữ những vị trí quan trọng trong ngành văn hóa tỉnh Minh Hải (nay là Bạc Liêu và Cà Mau).
Hơn sáu thập kỷ gắn bó với nghệ thuật, Thanh Quang đã sáng tác hơn 400 bản vọng cổ và hơn 50 vở cải lương, nhiều tác phẩm trong số đó đã đi vào lòng khán giả, được biểu diễn bởi các đoàn cải lương hàng đầu như Hương Tràm và Cao Văn Lầu. Những sáng tác tiêu biểu của ông như “Thư gửi cho anh”, “Hẹn mùa mật ngọt”, “Ngọc quý vương triều”… không chỉ phản ánh chân thực hơi thở của cuộc sống mà còn mang đậm chất thơ, giàu cảm xúc, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng.
Cuộc đời ông là một hành trình sống động và truyền cảm hứng. Xuất thân nghèo khó, từng trải qua những năm tháng cơ cực, nhưng trái tim ông luôn cháy bỏng nhiệt huyết cách mạng và niềm đam mê nghệ thuật. Những ca từ ông viết như tiếng lòng, ghi dấu cả những khúc tráng ca của các bà mẹ Việt Nam anh hùng hay hình ảnh người nông dân chân chất, kiên trung.
Dù được bạn bè gọi vui là “Anh Ba Khó” vì tính cách tỉ mỉ, nghiêm khắc trong sáng tác, nhưng ai từng biết ông đều hiểu rằng sự khó tính ấy xuất phát từ tinh thần trách nhiệm cao với nghệ thuật. Ông thường rong ruổi khắp nơi, từ thành thị đến vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng, để gom nhặt từng câu chuyện đời, từng hơi thở cuộc sống. Những gì ông viết đều thấm đẫm tình người, sự chân thật, và khát vọng vươn lên.
Thanh Quang không chỉ là một soạn giả tài hoa mà còn là một người bạn tri âm của nhiều thế hệ nghệ sĩ. Trong những năm cuối đời, dù sức khỏe suy yếu, ông vẫn giữ một niềm đam mê mãnh liệt với sân khấu. Đối với những ai từng có cơ hội làm việc cùng ông, đó là niềm vinh dự lớn lao.
Hôm nay, khi ông rời xa dương thế, chúng ta tiễn biệt một con người đã sống trọn vẹn với nghệ thuật, cống hiến hết mình cho quê hương Bạc Liêu - Cà Mau. Hình ảnh người đàn ông gầy gò, phong trần, giản dị với mái tóc bạc nghệ sĩ sẽ mãi khắc sâu trong lòng những ai từng yêu mến ông.
Vĩnh biệt người nghệ sĩ chân chính. Những ca từ, lời ca của anh sẽ còn vang vọng mãi như một dòng suối Cam Ly ngọt ngào, da diết.