BẠN ĐỜI
Phi Hùng
Ngâm Thơ
Đêm đêm nghe tiếng tiêu sầu
Thời gian chở nặng mái đầu điểm sương
Lá rơi nhè nhẹ bên đường
Mùa thu gợi nhớ gợi thương bạn đời
Lý Con Sáo
Mưa … thu rơi.
Như tiếng lòng người xa xôi.
Mưa thu vang khúc nhạc bên trời.
Mưa rơi hay tiếng bạn đời.
Lời ngày nào còn vang trong gió mưa.
Bến song xưa tiển con đò đưa.
Đò chòng chành lìa xa bến nước.
Kẻ trong mưa kẻ đi ngoài mưa.
Vọng Cổ
Mưa gió ngày xưa vẫn còn mưa gió, lá mùa thu vẫn rơi đầy trước ngõ anh vẫn còn đây tiếng đàn ngày xưa vẫn còn đó thì vội buồn chi để đèn đêm khi tỏ khi …..mờ.
1/ Bạn đời ơi bao nhiêu năm thao thức đợi chờ.
Giờ tao ngộ hãy so dây nắn phím tiếng bổng trầm cùng hoà điệu tri âm.
Mưa gió lạnh càng ấm lòng người đối ẩm năm tháng phong trần mình sẽ tâm sự đêm nay.
Rượu thiếu bạn đời chưa nhấp đã say đời thiếu nhạc ai cho đời tiếng hát.
Ngâm Thơ
Tiếng hát bạn đời cao vút mãi
Điệu đàn tình nghĩa bạn đời ơi
2/ Tiếng hát ngày xưa nâng bổng tiếng đàn tri kỷ, cố nhân ơi hãy trỗi lên những âm bậc tuyệt vời.
Cung oán cung thương sẽ làm rung động lòng người.
Người đi xa đêm dài nghe tiếng hát sau khỏi bồi hồi nhớ điệu nhạc quê hương.
Nhớ điệu lý quê hương trên dòng sông quê ngoại, nhớ những chiều đàn cò trắng lơ lững giữa trời mây.
Nhớ những đêm trăng nghe điệu hò Đồng Tháp, nhớ tất cả bạn đời dù đời còn nhớ hay quên.
Nam Xuân
Quên hay nhớ bạn đời ơi tôi vẫn nhớ, nhớ bạn đời nhớ cả lúc hàn vi, đời chẳng nhớ còn chi là nhân nghĩa.
Nhân nghĩa không còn thì làm sau giữ trọn nghĩa cố ……tri…
Đời chẳng ra đời dù đời vẫn còn đây.
Đời nào phải gió mây.
Hay sông nước vơi đầy theo ngày tháng đổi thay.
Đời lắm đắng cay và cơ cực.
Đời dạy ta bài học làm người.
Đời có cả tiếng khóc và nụ cười.
Đời cho đời phải là nghĩa nhân.
Vọng Cổ
Anh ơi đêm đã tàn mưa đã tạnh ánh bình minh đã rực hồng trên ngàn cây ngọn cỏ, tiếng đàn anh vẫn còn ngân dài trong gió tiếng hát tôi vẫn mãi mãi là lời thơ chan chứa nghĩa ân ….tình.
5/ Đời là của chung thiên hạ chớ đâu của riêng mình.
Đời đã cho ta cuộc sống, ta phải trả cho đời bằng tất cả đời ta.
Ai quên đời ai quí trọng vật chất phù hoa, ta cứ chọn nhân nghĩa quí bạn đời làm lẽ sống.
Trời còn có khi mưa khi nắng, thì người đời sau khỏi đổi trắng thay đen giữa chợ đời.
6/ (thơ) Chợ đời mua bán danh là lợi
Nhân nghĩa tồn sinh bạn với đời.
Ôi đời người sau quá ngắn ngủi, sống trăm năm cũng chẳng có là bao.
Nhớ lại tôi với bạn là bạn năm nào, nay tóc đã điểm trắng mà nợ đời chưa trả hết.
Bạn đời ta giờ đây kẻ còn người mất, kẻ mất hồn rồi chắc cũng không yên.
Người sống nợ đời càng chồng chất anh đến thăm tôi suốt đêm mình đối mặt, hiểu long nhau như tiếng hát hoà nhịp với cung đàn.
Bạn đời bất luận hèn sang, nghĩa nhân vẫn giữ gian nan chẳng dời.
Dù cho sông núi đổi dời, đời là bạn ban là đời tri âm./.
Soạn giả Phi Hùng tên thật là Phạm Thành Lâm, sinh năm 1936 tại xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Năm 1960, ông được soạn giả Phạm Trần (rể của soạn giả Trần Hữu Trang), gọi vào căn cứ Củ Chi (khu Sài Gòn - Gia Định), để tổ chức giao nhiệm vụ hoạt động cách mạng hợp pháp trên danh nghĩa ký giả với bí danh “Ba Việt”. Trở về Sài Gòn, ông cộng tác với nhiều tờ báo thời bấy giờ như : Bình Dân, Sân Khấu, Dân Nguyện, Dân Chủ ở mảng đề tài sáng tác truyện ngắn, thơ, vọng cổ . . . với nhiều bút danh khác nhau.
Cũng trong thời gian này, soan giả Phi Hùng đã cho ra đời hai vở cải lương đầu tiên là Hừng đông và Hẹn mùa chiến thắng. Cả hai được hai gánh cải lương Song Kiều và Thống nhất - Út Trà Ôn chọn để dàn dựng. Năm 1962, Phi Hùng được kết nạp vào Đảng nhân dân Cách mạng miền Nam Việt Nam (Đảng CSVN).
Với phương châm sáng tác là bảo vệ văn hóa dân tộc, chống văn hóa ngoại lai, ca ngợi lòng yêu nước, chống ngoại xâm, soạn giả Phi Hùng liên tục cho ra đời các vở cải lương : Cửa chùa đẩm máu (gánh Ngọc Hoa), Mùa xuân hai mươi , Giấc mộng đêm xuân (viết chung với Nhị Kiều), Trăng mười sáu, Đường trăng… Ông cũng kiêm luôn vai trò đạo diễn cho gánh Minh Cảnh với vở Vợ Việt Nam do chính ông sáng tác. Nhưng vở này chỉ được phép công diễn khi đổi tên là Vòng tay người cũ.
Sau năm 1975, soạn giả Phi Hùng về công tác ở Sở VHTT TP.HCM, ông tiếp tục sáng tác nhiều vở cải lương lịch sử và ca ngợi truyền thống cách mạng: Người giữ mộ, Thất trảm sớ, Yêu anh từ độ ấy, Huyết thư và án tử, Cho đời soi gương, Tiếng hát người yêu.Về đất Kinh Châu (viết chung với tác giả Nam Sơn), Vòng cưới anh trao, Xuân về trên đỉnh Mã phi (viết chung với Minh Hải), Lá chắn biên thuỳ, Bông sen trắng,... Các tác phẩm của ông được nhiều đoàn cải lương ở TP.HCM và các tỉnh miền Tây chọn dàn dựng… Nhiều vở diễn đã được trao vở đạt Huy chương Vàng, Huy chương Bạc trong các lần Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc.
Ngoài hàng chục kịch bản cải lương, soạn giả Phi Hùng còn là tác giả của nhiều bài vọng cổ được công chúng yêu thích: Như thời con gái,Tìm lại người xưa, Bạn đời, Bà mẹ Sài Gòn...
Năm 2007, soạn giả Phi Hùng được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học-Nghệ thuật cho ba kịch bản: Thất trảm sớ, Người giữ mộ, Cho đời soi gương (đạt Huy chương Vàng, Huy chương Bạc). Ngoài ra ông còn được tỉnh Đồng Tháp tặng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Quang Diệu (lần thứ I).
Sự ra đi đột ngột của soạn giả Phi Hùng vào ngày 20/11/2014 để lại nhiều nuối tiếc cho bạn bè, đồng nghiệp và khán giả. Sân khấu cải lương mất đi một soạn giả tài hoa, tận tụy với nghề; những tác giả trẻ mất một người đồng nghiệp, người bạn, người thầy đôn hậu luôn sẵn sàng, hết lòng giúp đỡ, hướng dẫn những người đi sau trên con đường sáng tác.
THẢO VÂN