SÁNG MÃI VẦNG DƯƠNG
Phi Hùng
LỐI vào Nam Xuân
Vầng dương sáng mãi ngời sông núi
Quét sạch mây mù xóa bóng đen
Lời Bác vang vang, truyền khắp nước
Lòng người xao động mãi trong …
NAM XUÂN (mấy câu đầu)
… tim, từ ngày Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn
Bác hỏi đồng bào nghe rõ không?
Lời Bác như lời của núi sông
Đang vút lên như sóng dậy sông trào
Như khao khát của đồng bào
Đang cao tay cất tiếng chào
Người đổi đời từ đây.
VỌNG CỔ
1/. Người đổi đời, nhớ ơn người, lòng không thay đổi. Dù thời gian vẫn xoay, vẫn không quên cội, quên … nguồn.
Dù trải bao mưa nắng vui buồn. Dù từ sông hồ đổ ra biển cả, dù sóng gào gió lộng vẫn nhớ đầu sông. Sông vơi đầy, bờ bến vẫn thủy chung, vẫn tắm mát vầng trăng hè êm ả. Vẫn cho tuổi thơ vào đời dù đi trăm ngả, tình nghĩa quê nhà, làm người ai không nhớ …
2. Nhớ quê hương như chim rừng nhớ tổ, như cánh én ngàn phương hội ngộ đón xuân về. Nhớ lời Bác dạy ngày xưa như còn vang vọng đến bây giờ. Giặc đến nhà, ai ai cũng giữ nhà giữ nước. Thái bình rồi, người người chung sức chuyến tàu quê hương. Muốn đời tin, ta phải trong sáng như gương. Muốn nước mạnh dân giàu, phải quý từng đồng tiền, hạt gạo. Đê vỡ vì sóng ngầm, nhà siêu vì giông bão, bài học làm người, ai không học thì chẳng thành nhân …
6. Xưa nay học và làm luôn song hành tồn tại, học không làm như nước đổ lá khoai. Làm theo học như ngọc càng mài càng sáng, như gạo đau lòng càng giã càng trắng tinh. Càng học điều hay càng thấm thía nghĩa tình, càng làm chuyện đúng như nhân thêm vườn hoa quý. Càng vượt núi cao, biển to, sóng dữ, càng luyện đôi chân, càng vững tay chèo.
Bài học làm người, làm theo gương Bác
Suốt cuộc đời rèn chí, giữ cái tâm
Tâm có sáng, chí có bền, lòng thêm vững
Gương Bác Hồ sáng mãi như vầng dương./.
Soạn giả Phi Hùng tên thật là Phạm Thành Lâm, sinh năm 1936 tại xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Năm 1960, ông được soạn giả Phạm Trần (rể của soạn giả Trần Hữu Trang), gọi vào căn cứ Củ Chi (khu Sài Gòn - Gia Định), để tổ chức giao nhiệm vụ hoạt động cách mạng hợp pháp trên danh nghĩa ký giả với bí danh “Ba Việt”. Trở về Sài Gòn, ông cộng tác với nhiều tờ báo thời bấy giờ như : Bình Dân, Sân Khấu, Dân Nguyện, Dân Chủ ở mảng đề tài sáng tác truyện ngắn, thơ, vọng cổ . . . với nhiều bút danh khác nhau.
Cũng trong thời gian này, soan giả Phi Hùng đã cho ra đời hai vở cải lương đầu tiên là Hừng đông và Hẹn mùa chiến thắng. Cả hai được hai gánh cải lương Song Kiều và Thống nhất - Út Trà Ôn chọn để dàn dựng. Năm 1962, Phi Hùng được kết nạp vào Đảng nhân dân Cách mạng miền Nam Việt Nam (Đảng CSVN).
Với phương châm sáng tác là bảo vệ văn hóa dân tộc, chống văn hóa ngoại lai, ca ngợi lòng yêu nước, chống ngoại xâm, soạn giả Phi Hùng liên tục cho ra đời các vở cải lương : Cửa chùa đẩm máu (gánh Ngọc Hoa), Mùa xuân hai mươi , Giấc mộng đêm xuân (viết chung với Nhị Kiều), Trăng mười sáu, Đường trăng… Ông cũng kiêm luôn vai trò đạo diễn cho gánh Minh Cảnh với vở Vợ Việt Nam do chính ông sáng tác. Nhưng vở này chỉ được phép công diễn khi đổi tên là Vòng tay người cũ.
Sau năm 1975, soạn giả Phi Hùng về công tác ở Sở VHTT TP.HCM, ông tiếp tục sáng tác nhiều vở cải lương lịch sử và ca ngợi truyền thống cách mạng: Người giữ mộ, Thất trảm sớ, Yêu anh từ độ ấy, Huyết thư và án tử, Cho đời soi gương, Tiếng hát người yêu.Về đất Kinh Châu (viết chung với tác giả Nam Sơn), Vòng cưới anh trao, Xuân về trên đỉnh Mã phi (viết chung với Minh Hải), Lá chắn biên thuỳ, Bông sen trắng,... Các tác phẩm của ông được nhiều đoàn cải lương ở TP.HCM và các tỉnh miền Tây chọn dàn dựng… Nhiều vở diễn đã được trao vở đạt Huy chương Vàng, Huy chương Bạc trong các lần Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc.
Ngoài hàng chục kịch bản cải lương, soạn giả Phi Hùng còn là tác giả của nhiều bài vọng cổ được công chúng yêu thích: Như thời con gái,Tìm lại người xưa, Bạn đời, Bà mẹ Sài Gòn...
Năm 2007, soạn giả Phi Hùng được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học-Nghệ thuật cho ba kịch bản: Thất trảm sớ, Người giữ mộ, Cho đời soi gương (đạt Huy chương Vàng, Huy chương Bạc). Ngoài ra ông còn được tỉnh Đồng Tháp tặng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Quang Diệu (lần thứ I).
Sự ra đi đột ngột của soạn giả Phi Hùng vào ngày 20/11/2014 để lại nhiều nuối tiếc cho bạn bè, đồng nghiệp và khán giả. Sân khấu cải lương mất đi một soạn giả tài hoa, tận tụy với nghề; những tác giả trẻ mất một người đồng nghiệp, người bạn, người thầy đôn hậu luôn sẵn sàng, hết lòng giúp đỡ, hướng dẫn những người đi sau trên con đường sáng tác.
THẢO VÂN