TÂM TÌNH TÔ ÁNH NGUYỆT
Soạn giả Viễn Châu
Nói lối:
Nữ: Anh Minh ơi! Nay anh đã nằm yên dưới ba tấc đất.
Nắm đất vàng liệm kín thi hài anh và liệm cả tim em
Anh có biết chăng khi vợ con anh đang gào thét khóc thương anh
Thì ngoài hiên lạnh em cũng đang tuôn tràn ngấn lệ.
Vọng cổ:
Anh Minh ơi! 20 năm hận cũ chưa phai tháng ngày sương pha mái tóc, rồi nay quỳ trước phần mộ của anh em thấy tình yêu sống lại như thuở ban... đầu.
1) Trời ơi! Một kiếp hồng nhan là vạn kiếp thương sầu. Kẻ không mong cầu sao lại được, còn người ước nguyền phải chịu cảnh đơn côi. Kể từ nay đôi ngã chia phôi, em vẫn sống bơ vơ với tháng đợi năm chờ. Nhưng chờ gì đây khi lỡ mối duyên tơ mà cả cuộc đời là ngàn cay trăm đắng.
2) Anh ơi! Kỉ niệm xưa âm thầm sống lại, để tim đau tim rỉ máu chân thành. Anh Minh ơi! Kể từ khi anh có gia đình. Em cam sống như một người cô phụ, đốt lửa trông chồng chờ đợi suốt đêm đông. Rồi đến ngày nay phải khóc cảnh ly tan, buồn muôn thuở tiếc thương người dưới mộ. Nghe âm vang tiếng chuông chùa nức nở, vĩnh biệt nhau rồi tuôn đổ lệ sầu rơi.
Kính lạy thầy!
Nam: Mô Phật, không dám.
Bần Tăng ra đây là để hỏi tại vì sao khi hoàng hôn đã phủ trùm lên đầu cây bà còn ngồi lặng lẽ khóc than nức nở trước ngôi ...
(Xàng Xê Cải Lương, 4 câu đầu)
.... mồ.
Nơi bãi tha ma tiêu sơ và lạnh lùng hoang vắng.
Chạnh dạ Bần Tăng bởi cảm thông nỗi niềm tâm sự.
Nhưng bà chớ quên rằng, nắng tắt lâu rồi trời đã phủ màn đêm.
Nữ: Bạch thầy, con thành tâm tạ lỗi.
Bởi trót đã làm bận dạ một nhà tu.
Nhưng quãng đời nhiều cay đắng rồi đến ngày này phải vĩnh viễn xa nhau
Con mong một lời an ủi để cõi lòng vơi bớt khổ đau.
Vọng cổ:
4/ Nam: Mô Phật. Con hãy bình tĩnh kể lại cho thầy nghe những gì dở dang trong duyên nợ. Mặc dù trước khi đầu Phật xuất gia thầy có nguyện rằng thầy sẽ gác bỏ ngoài tay những tiếng thị phi những chuyện lòng ngang trái để nơi chốn thiền môn được rảnh rang thơ thới tâm ... hồn.
Giọt nước cành dương rủ hết mọi u phiền.
Lục tự di đà vô biệt niệm chôn lấp sự đời qua tiếng mõ hồi chuông. Mặc thế nhân bán lợi mua danh, mãi xâu xé trong bạc tiền chung đỉnh. Mà họ quên rằng: Tam thốn khí tại thiên niên, dụng ba tấc hơi trả gánh mộng công hầu.(+)
(4 nhịp)
6/ Nhưng đứng trước một con người đau khổ thầy cũng thấy xót xa không ngăn mối thương sầu.(+)(Xề)
Ôi, đây cũng là hiện thân của tuyệt vọng khổ đau, là kết quả của luân hồi nghiệp chướng. Con có thấy không đời sao lắm kẻ được êm đềm trong hạnh phúc, còn kẻ sao suốt đời gặp cảnh không may. Ai không ham võng lộng ngựa xe, ai không muốn vinh thê ấm tử? Nhưng kiếp trước đã tạo nhiều oan nghiệt nên kiếp này lãnh lấy nợ tiền khiên. Sao không lánh tục tầm tiên, tay nương theo ánh đào vàng mà đi. Suốt đời niệm chữ từ bi, còn vương khổ nạn huống chi bạo tàn.(+)
Lối
Nữ:Bạch thầy, thầy dạy chí lý, suốt đời con không bao giờ dám làm một điều gì vô lương bạo ác, thế mà vạn thương sầu vẫn đày dọa kiếp thừa sinh. Người nằm dưới mộ là người con đã gửi trọn cả tâm hồn và cả tấm băng trinh. Thế mà rốt cuộc rồi mộng ước cũng tiêu...
Văn Thiên Tường
... tan.
Cho nên con với chàng mới rời rã đôi tay.
Ngày chàng cữ hành hôn lễ là ngày con chết nát tâm can.
Mang trong lòng một giọt máu rơi
Con phải cắn răng lìa bỏ gia đình.
Khi nở nhụy khai hoa con tìm nhà người năm cũ.
Ôi đứt từng đoạn ruột
khi con trao đứa trẻ cho chàng
Chàng cũng nát lòng thầm gọi tiếng cố nhân.
Con gạt lệ sầu nhìn con thơ
Rồi đứng lên lặng lẽ ra về
Trong khi đứa hài nhi vẫn não nùng tiếng khóc
Nam:Nghe qua tâm sự
Khiến Bần Tăng cũng cất giọng tương phùng
Mới biết chữ ái ân là nỗi khổ của nhân hòa
Lượn sóng tình đã đưa đẩy
Và chôn vùi bao kẻ trầm luân.
Mô phật, thế rồi sau khi trao đứa trẻ cho người yêu nuôi dưỡng, con còn có dịp nào gặp lại người xưa ?
Vọng cổ:
4/ Nữ:Bạch thầy, hai mươi năm sau có một đứa trẻ tìm đến túp lều tranh của con nặng lời đuổi xô mắng nhiếc, khi ấy con chỉ lặng lẽ nhìn con mà suối lệ tuôn...dòng.
Nó đâu biết con đây là mẹ ruột của mình.
Hai mươi năm qua suốt một thời gian đăng đẳng, đứa con khờ đã được thành nhân. Đã không xót thương người mẹ bạc số vô duyên, lại còn lớn tiếng phủ phàng xua đuổi. Con nén tim đau từ giả túp nhà bé nhỏ, lạnh lùng đi không một lời thơ để lại cho chàng. (+)
5/ Nam:Ôi, hoàn cảnh của con thật chua xót biết bao nhiêu, thế rồi người đàn ông nọ, sau đó có lẽ đã biết được việc làm vô ý thức của cậu con trai, ông ấy sẽ xử trí thế nào?
Nữ: Bạch thầy, quá đau khổ dày vò thể xác, chàng đã cố quyết bao phen , bởi một bên là người yêu cũ, một bên là nặng gánh gia đình, thế rồi sau khi chàng tìm đến thăm con để nói lên lời vĩnh biệt sau cùng, Sau một đêm mưa chàng đã ra đi mãi mãi, gởi nắm xương tàn dưới đất lạnh ngàn năm, lịm kín hình hài xơ xác tang thương, bởi con đau khổ chàng cũng chẳng vui gì trong hạnh phúc, rồi chiều nay cũng như bao nhiêu chiều khác, con lại vào đậy để than khóc bên mồ. (+)
6/ Xin giã từ thầy, giờ xin thầy nhận ở đây lời cảm tạ chân thành khi con vừa nghe được những giáo lý từ bi, mà tâm hồn đã vơi đi phần nào đau khổ.
Nam:Nam mô bổn sư thích ca mâu ni phật, nam mô cứu khổ cứu nạn quan thế âm bồ tát, xin người hãy mang đuốc từ bi rọi ánh quang minh kẻo đường trần thế quá nhiều u tối. Khi chúng sinh còn dẫy đầy tội lỗi, bởi đắm chìm trong bể ái sông mê, chỉ có giọt nước cam lồ trong thanh tịnh, bình thùy dương liễu mới dập tắt trần gian những ngọn lữa u phiền.
Ôi, nhìn theo một bóng dáng héo gầy sau cổng thiền môn, lòng bần đạo cũng bồi hồi cảm xúc. Nam mô lục tự di đà, tu là cội phúc tình là dây oan./.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: