SÂN GA CHỈ CÓ MỘT NGƯỜI
Soạn giả Viễn Châu
VỌNG KIM LANG
Đêm xuống sân ga
Sương cuối thu lạnh lùng
Nghe vẳng đưa xa xa
Hòi còi tàu lẫn trong ngàn cây
Cách xa mấy thu qua rồi
Mà người tình vẫn chưa về đây.
Cầm đàn
Ta ngồi so từng cung phím
Tiếng tơ u buồn
Từng cung ai oán gởi ai đây.
Gió lay lá rơi xạc xào
Trời lạnh lùng thắt se hồn ai
Sương thấm trên đôi vai
Mà người tình vẫn chưa về đây.
Trời đêm
Tàn thu xa vắng nhớ không nguôi
Trắng đêm ta ngồi mong ai
Một mình ngồi ngoài sân ga
Tai lắng nghe… tiếng còi xa…xa..
VỌNG CỔ
1/ Những chuyến tàu rời khỏi sân ga rồi khuất dần trong bóng tối bỏ lại nơi đây một người ngồi mong đợi hố mắt thâm sâu như mang nặng mối u… hoài.
Mấy bận tàn thu là mấy bận mong chờ
Đêm tiễn đưa nhau em về nơi đất Huế, nước mắt đôi dòng ràn rụa thấm bờ mi.
Ôi những con tàu vội đến rồi đi, trông xa xa khói trắng quyện sương mờ.
Ngồi một mình lặng lẽ trước sân ga, thu trước lệ sa thu này lệ đổ.
2/ Tiếng nói yêu thương ráng chờ em anh nhé, như còn nghe văng vẳng giữa đêm buồn.
Đã mấy lần thu trong chớp bể mưa nguồn.
Mấy dãy rừng thu đã mấy lần thay lá, em có nhớ cung đàn đêm lạnh giã từ nhau
Tàu đi rồi qua lũng thấp đèo cao, làn khói trắng nhạt nhòa sau đỉnh núi.
Một kẻ ra đi còn một người ở lại, ga vắng lạnh lùng trơ trọi lá vàng rơi..
LỐI
Đêm lại từng đêm dưới nguyệt mờ
Rung rung ngồi dạo mấy đường tơ
Đèn khuya hiu hắt sầu nhân ảnh
Ai nhớ ai mà dạ ngẩn ngơ.
VỌNG CỔ
5/ Thu đến thu đi theo tiếng nhạc chia ly đã xóa mờ nhân ảnh, một chiếc hàn y đã bạc màu sương gió bởi đêm đêm ngồi đợi bóng con… tàu.
Có mấy đường tơ biết gởi đến phương nào.
Đêm ấy chia tay với cung đàn não nuột, ai đã gục đầu cho lệ đẫm bờ mi.
Em ơi nước sông Hương còn lay động bóng đò khuya, cây núi Ngự còn nghiêng mình đón gió.
Sao tình ai đó như những hàng thành quách cũ, theo thời gian nên cỏ phủ rêu mờ
6/ Chuyến tàu đêm đã rời khỏi sân ga, làn khói trắng còn vương trên đầu cây ngọn cỏ.
Người nhạc sĩ một mình ngồi lặng lẽ, hố mắt u buồn như cả một trời thu.
Người xa người nên nhạc cũng bơ vơ, tay rướm máu trên chiếc đàn long phím.
Đôi bóng năm xưa dìu nhau trên ngõ vắng, nay giữa sân ga sao chỉ có một người.
Anh đợi chờ gì qua mấy bận tàn thu, khi người ấy không trở về đây nữa.
Sân ga lá úa tơi bời,
Chỉ có một người ngồi đợi chuyến tàu đêm..
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: