NGHE VỌNG CỔ NHỚ QUÊ HƯƠNG
Viễn Châu
Lối:
Đất khách đêm nào lạnh khói sương
Đèn khuya hiu hắt quạnh can trường
Bơ vơ hồn gửi về vô định
Bóng nhỏ âm thầm vọng cố hương
Vọng cổ:
1/ Đất lạ trời xa đêm dài lẻ bóng, cả không gian như chìm trong màu tuyết trắng giữa tầng cao không một ánh sao ... trời. Lại một mùa đông nơi đất khách quê người. Hiu hắt đèn đêm soi mờ ngõ vắng, bóng nhỏ ngập ngừng lê bước giữa trời khuya. Tôi nghe lòng mình sao trống trãi bơ vơ, trận gió tàn đông buốt lạnh vai mềm, bước âm thầm trên mấy quãng đường đêm, gió dật từng hồi cho cành rơi lá đổ.
2/ Áo ấm đơn sơ nên vai gầy lạnh buốt, núi ngàn xa lướt thướt gió đông về. Cảnh vật về khuya sao hoang vắng tứ bề. Lặng lẽ trời đêm phố phường xa lạ, suốt mấy quãng đường không thấy một người quen, tôi ngồi một mình trên ghế đá công viên, nhìn những chiếc lá vàng bay trước gió. Nghe văng vẳng có tiếng ai ca vọng cổ, tôi tôi bỗng ngậm ngùi thương nhớ dặm trời xa.
Lý con sáo:
Đêm tha hương, tuyết trắng bay đầy không gian
Trời đông màu thê lương
Biết ai đâu gửi chút tâm tình
Khi cách bóng xa hình
Ngày lại ngày ngồi mơ cố hương
Quên tóc xanh đã pha màu sương
Lời ca buồn từ xa vẳng đưa
Nghe nỉ non thêm nhớ nhung người xưa.
Vọng cổ:
5/ Điệp ơi! Mái tóc xuân xanh Lan đã cắt đi với lời khẩn nguyện, trong khi giữa chốn thiền môn còn vọng lại tiếng chuông ... buồn. Tiếng ca của ai sao nghe nức nở giữa đêm trường. Tôi bỗng thấy tim mình ray rứt hơn cả tuyết trời giá lạnh của mùa đông. Ở quê nhà ai có nhớ đến tôi không, một cánh chim bé nhỏ giữa khung trời bão tố. Đêm đất khách nghe mấy câu vọng cổ, cũng thấy rưng rưng giọt lệ nhớ quê nhà.
6/ Bông tuyết trắng vẫn bay đầy trong gió, cả đất trời như bao phủ một màu tang. Khắp phố phường lặng lẽ giữa màn đêm, thiên hạ đã êm đềm trong giấc ngủ. Chỉ có tôi là kẻ mang nhiều tâm sự, nghe tiếng ca buồn thắt thẻo nhớ quê hương. Giáo đường vọng mấy hồi chuông, hồi chuông nức nở hồi chuông nguyện cầu. Ôi! Mấy tiếng tơ đồng ai dạo giữa trời khuya, lời ca cổ thêm gợi sầu lữ thứ. Đêm khuya lẻ bước một mình, nghe ca vọng cổ thêm nặng tình quê hương.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: