LÁ BÀNG RƠI
Viễn Châu
LỐI:
Đây có phải quán hàng năm cũ,
Sương mờ giăng bao phủ một khung trời,
Lá bàng rơi, lá bàng rơi
Chiều nay có kẻ nghẹn lời nhớ thương…..
Vọng cổ
1. Gió thổi vi vu lá bàng bay lã tã, như chào đón hỏi han người khách lạ ở …ven… đường…(-). Nắng táp mưa sa đượm nét phong trần, đây có phải quán hàng năm trước dưới cội bàng đỡ nắng che sương (+). Từ độ nào khách lẳng lặng ngồi bên bát chè tươi say khói thuốc hương nồng và nhìn mãi đôi mắt nhung đen của cô hàng xinh xinh trẻ tuổi.
2. Cô hàng xinh thật là xinh, đôi môi chúm chím hữu tình làm sao. Ngỡ rằng trong giấc chiêm bao, người tiên kẻ tục cùng nhau nặng nguyền. (-). Nhưng giấc mơ tan khi nghe yến oanh thỏ thẻ thưa rằng: Mời quý khách dừng chân bên mái lá, chén trà ngon ấm dạ kẻ phong trần (+). Khách bỡ ngỡ ngồi trên chiếc chõng tre xiêu vẹo đưa mắt nhìn dãy đồi cao đang bao phủ dưới màn sương trắng, như hình bóng một người đang nhuộm một màu tang.
3. Khách vừa toan ướm lời trêu ghẹo thì từ trong mái lá một bà lão tật nguyền sờ soạng bước ra. Đôi môi già mấp máy rung rung khẻ bảo cô hàng rằng: con ơi ngày mai này là ngày giỗ chồng con vậy con hãy lo dĩa muối dĩa dưa để tưởng niệm người chồng bạc số. Khách ngại ngùng đứng lên từ giã trong khi cô hàng đứng tựa cội bàng dõi mắt nhìn theo. Những chiếc lá bàng từ cội thi nhau bay vèo trong sương gió lạnh như giọt lệ của người cô phụ mới nữa chừng xuân đã lỡ mối duyên tình.
LỐI:
Năm sau khách trở lại khi cây bàng thay lá,
Lòng rộn ràng nhưng dạ lại bâng khuâng,
Cô hàng đâu sao không thấy đón mừng,
Lòng rạo rực bổng dưng sầu lạnh buốt…..
4. Khách ngơ ngẫn nhìn đôi chim đang thỏ thẻ trên mái lều tranh đượm vẻ …hoang …tàn…(-).Mái lá xơ rơ dưới cội cây bàng, khách lẳng lặng nhìn chiếc chõng tre cũ kỷ trước ngôi hàng bốn phía vắng tanh (+). Kìa nồi nước chè xanh khói trắng bay lên như nỗi sầu tiễn biệt. Người đẹp năm xưa đâu chẳng thấy chỉ thấy lá bàng rơi lặng lẽ bên đường.
5. Nghe tiếng khách, bà lão từ bên trong bước ra trước cửa: kính mời ông nán lại dùng trà, (-)một chén trà tươi cũng giúp đỡ thân già. Từ khi đứa con trái bất hạnh già chỉ sống mỏi mòn với một đứa dâu ngoan, thế mà trời cũng cướp của già đi từ cuối mùa thu năm ngoái, để thân già nua mù lòa bóng quáng, mãi sống bơ vơ với tháng lụn năm tàn.
6. Hò ơ…con sông sâu bắt cầu không dễ, gặp mặt rồi khó thể quên nhau, ngó lên mấy trắng trời cao, trăng tàn hoa rụng, ơ..hò .. ơ (-)trăng tàn hoa rụng biết chừng nào mới thôi. Khách đặt một số tiền vào tay bà lão rồi ngậm ngùi cất bước ra đi, trong khi những chiếc lá bàng tung bay lã tả như muốn cùng nhau ấp ủ mái tranh nghèo (+). Khách đã đi xa nhưng vẫn còn quay đầu nhìn lại,
Lá vàng rơi rụng về đâu,
Lá thu rụng hết đoạn sầu còn đây…
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: