HOA ĐÀO NĂM NGOÁI
Soạn giả: Viễn Châu
Thơ
Cánh chim về tổ chở mây xa.
Liễu biết sầu ai quạnh nắng tà
Người đẹp đâu rồi, cây nhớ bóng.
Lan đình còn đọng dấu hài hoa
Vọng cổ
1/ Cánh bướm năm xưa còn vờn bay trên giàn hoa thắm nhưng cánh bướm tình chung đã phiêu bạt đến phương nào.... Trong cánh đào rơi tim se thắc nghẹn ngào.Tiết thanh minh duyên trời xui gặp gỡ, ta với nàng buổi ấy quen nhau. Kiều Nương ơi, ai xui chi lỡ bước đoạn trường kiều. Để lệ tương tư với xác hoa đào thi nhau rơi lả tả...
2/ Muôn dặm Liêu Dương ta về thọ tang thúc phụ thì mới hay thương hải hóa tang điền. Cảnh bể dâu vì đâu lỡ một lời nguyền. Nàng đã bán mình cho tròn chữ hiếu còn ta nát lòng vì gia cảnh đảo điên. Mái lan đình còn soi bóng nước Hồ Gương, hiên Lãm Thúy rêu còn in dấu chân ngà ngọc. Đêm từng đêm cuộn mình bên gối chiếc nhìn mảnh trăng vàng ai đã xẻ làm đôi...
Thơ
Hương tóc mơ màng hương cố nhân.
Người xưa lưu lạc bóng phong trần
Hồn thơ rũ rượi sầu ngăn cách.
Lá chết rơi nhiều quyện gió đông.
4/ Hương đâu đây còn vờn quanh hiên Lãm Thúy mà ta cứ ngỡ là hương của người yêu tri kỹ năm nào... Ta trở về đây trong tiếng nấc nghẹn ngào. Ôi mấy dòng thơ lạc vận bản nhạc sầu cùng dỡ khúc tiêu tao. Cố nhân ôi trên đôi môi còn phảng phất, rượu tương giao nay đất khách nàng lạc loài thân lữ thứ. Ta bỡ ngỡ nhìn quanh phong cảnh cũ cội đào xưa vẫn ủ rũ mơ buồn.
5/ Hàng lệ liễu trong ngày vui buổi trước lá đào rơi nhắc nhở cuộc tao phùng. Ta đã về đây sao bật tiếng tơ đồng. Ôi “Nhân diện bất tri hà xứ khứ, đào hoa y cựu tiếu đông phong”. Hoa đào ơi đừng cười cợt gió đông để cho tầng rêu biếc phủ mờ hiên Lãm Thúy, ta về đây chưa vơi nguồn suối lệ sao cánh đào xưa mãi cợt gió đông về.
6/ Kiều nương ơi nàng đi đâu vắng dạng, gót hoa hài còn động dấu thềm rêu. Tình ta còn nặng lắm nàng ơi, dù góc bể ven trời ta vẫn nhớ. Cố nhân ơi mực mài nước mắt mấy vần thơ gởi đến cố nhân. Đoạn trường mộng lý căn dương liễu, bạc mệnh cầm chung oán hận trường. Kiều Nương ơi, bởi nặng số đào hoa nên nhất phiến tái tình thiên cổ lụy. Bơ vơ trước cổng lan đình, ta đứng một mình khẽ gọi cố nhân ơi.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: