LẮNG TIẾNG CHUÔNG NGÂN
Viễn Châu
Nói lối:
Chiều nào nghe tiếng chuông ngân
Lá rơi phủ kín mộ phần Cha tôi
Thẫn thờ quét lá vàng rơi
Dế giun rền rĩ muôn lời oán than
Ôi sương trắng phủ một màu tang trên nắm mộ
Quyện trầm hương theo ngọn gió buổi chiều thu
Nghe mơ hồ lặng lẽ hoang vu
Như có tiếng nhạc sầu nơi cô quạnh.
Vọng cổ:
Câu 1: Hỡi ơi chiếc lá vàng rơi dật dờ trong gió lạnh, giữa hoàng hôn văng vẳng tiếng chuông ... chùa.
Trong khói hoàng hôn gió lạnh sương mờ. Tôi viếng mồ Thân Phụ trong một buổi chiều vàng quạnh quẽ bơ vơ. Ngồi nghe giọng dế não nùng có phải chăng những tiếng nhạc sầu, để tiễn đưa hồn người nghệ sĩ...
Câu 2: Khi cánh màn nhung âm thầm khép lại, thì cũng chính là lúc một vì sao rơi rụng giữa đêm ... trường. Ba mươi năm dạn mặt phong trần. Sân khấu tuông rơi bao ngấn lệ, dòng đời về rũ sạch sầu thương. Trả nợ dâu non cho đến khi tóc xanh đà điểm trắng. Thì cái kiếp con tằm có lẽ nào lại bị đời quên...
Nói lối:
Hương mấy nén nhẹ bay trong gió lạnh
Lệ đôi dòng ướt đẫm mảnh khăn tang
Kiếp phù sinh như một chuyến đò ngang
Qua bến mộng đưa người sang cõi khác.
Vọng cổ:
Câu 4: Hỡi ơi, tiếng nhạc lời ca đã làm cho con tim thêm bồi hồi man mác, có phải chăng cõi lòng người nghệ sĩ cũng bao phen tan nát bởi ưu ... phiền. Giữa phồn hoa nhưng vẫn thiếu bạn hiền. Khi cánh màn nhung khép lại, dòng người về rũ sạch sầu thương. Thành đô chìm dưới màn sương
Đó đây trong tiếng hậu trường vắng tanh. Còn đâu một kiếp tài danh, ngàn năm một nắm cỏ xanh phai màu.
Câu 5: Nhạc sầu ơi! Dạo chi lời bi thiết cho con tim non đẫm lệ chân tình.
Cho kẻ ra đi vắng dạng xa hình. Công danh sự nghiệp chẳng qua là một kiếp phù sinh. Khi khép cánh màn nhung, khi hí trường đã trở về trong im lặng. Thì người nghệ sĩ cũng thấy lẻ loi khi gửi nắm xương tàn.
Câu 6: Không gian đã pha dần trong sắc tím, trước mộ phần còn nghi ngút khói hương. Nắng chiều vươn mình qua kẻ lá tàn cây, tôi mới lặng lẽ ra về mà lòng chưa vơi ngấn lệ. Dưới bóng hoàng hôn một mảnh trăng non vừa nhô lên mấy rặng thùy dương xạc xào trước gió, hồn lâng lâng theo mấy tiếng chuông Chùa. Văng vẳng xa đưa vọng công phu của đoàn Sư Vãi, như khêu gợi mối ưu phiền trên cõi tạm trần ai.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: