LÁ TRẦU XANH
Viễn Châu
THƠ:
Thương nhau cau bổ làm đôi mảnh
Một lá trầu xanh thắm nợ duyên
Cứ mỗi chiều về tan buổi chợ
Em còn hoài vọng bóng người thương.
VỌNG CỔ:
1. Anh hứa với em khi tụi mình nên duyên nên nợ, thì một lá trầu xanh cũng nên vợ... nên... chồng... Cau thắm trầu xanh sẽ thêm đượm thêm nồng. Mỗi sáng tinh sương gánh trầu ra chợ trên con đê dài thoăn thoắt đôi chân, em không sợ nắng vàng làm héo úa lá trầu xanh, mà chỉ sợ người yêu chờ đợi buồn phiền, dõi mắt kiếm tìm giữa buổi chợ tan, lỡ chuyến hẹn hò tình duyên đôi lứa.
2. Nhưng rồi một hôm mưa buồn xóm chợ, bên thúng trầu xanh em chờ đợi bạn chung tình.
Mưa gió cách ngăn duyên kiếp đôi mình. Chợ vắng thưa người sao anh không đến, yêu nhau rồi ngại gì lầy lội bước chân, để em quay về thờ thẩn nhớ thương, trầu nặng gánh hay nặng tình em thương nhớ. Anh phụ em rồi anh không tới nữa để phiên chợ buồn héo úa lá trầu xanh.
MẠNH LỆ QUÂN:
Hoa thu rụng
tơi bời bên bờ sông lạnh
Em đếm bao lá thu rụng
Một ngày thu tàn hiu quạnh.
Khung trời mưa buồn đông lạnh
Ngỡ ngàng đứng bên cổng rào
Nhà anh đang nói cười rộn ràng
Em hỏi thăm
Hay được ngày tân hôn
Ngày vui mừng tân hôn,
Của anh với người mến thương
Thôi rồi lỡ làng nợ duyên
Áo em lệ sầu thắm hoen
Lỡ câu mong đợi, mong đợi
Ngày mai chỉ hồng thắm duyên
Cớ sao anh vội sai hẹn
Còn chi tiếng thề ái ân
Lời đoan thệ sao đành quên nhau.
VỌNG CỔ:
5. Trời ơi! Hai thúng trầu xanh còn nặng oằn trên đôi vai bé nhỏ, nhưng gánh tình chung đã gãy đổ tự... lâu... rồi... Tiếng pháo rềnm vang pha lẫn tiếng vui cười. Anh sắp sửa vui cùng duyên mới, em cũng bắt đầu làm một kẻ cô đơn côi. Muốn quay về cho khỏi thấy cảnh gai mắt trái tai, sao chân muốn bước dạ còn mong ở lại, trời ơi nỗi đau của một người con gái, mười tám xuân xanh đã mang mối tuyệt tình.
6. Trên đường về lệ trải bước chân quê trên bến cũ con đò sao vắng bóng, đò ơi sao không xót thương một người vô vọng lại vội vàng tách bến sang ngang. Mưa hay lệ rơi hoài trên áo
Gió quyện ngàn xác pháo trên sông.
Thu về rụng lá trầu xanh
Trầu xanh rụng lá tình anh hết rồi.
Một gánh trầu còn oằn nặng trên vai
Như gánh nặng u hoài muôn vạn kiếp,
Mưa rơi lạnh buốt khung trời
Anh phụ em rồi em còn biết tin ai?!./.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: