NHẠT NẮNG
Tân nhạc: Y Vân
Cổ nhạc: Viễn Châu
NHẠC
Nữ : Tôi thương miền quê, nhớ hoàng hôn trên đất xưa.
Nghe tiếng tiêu mơ màng chiều hè.
Tôi thương người xưa, áo nâu duyên quê thật thà.
Đời mặn nồng hồng lên đôi má.
Nam : Nhưng thôi giờ đây, nắng tàn phai trên khóm tre.
Bao áng mây bên trời mịt mù.
Thương ai nhạt môi, mắt sâu lắng như đêm dài.
Đời cần lao… khoác lên mình… trai.
VỌNG CỔ
1/ Nữ : Chậm bước đi anh để em đếm từng chiếc lá vàng khô rơi đầy trên mặt nước. Như đếm chuỗi thời gian khi anh nói lên lời tiễn biệt, mà đến hôm nay anh mới… quay… về.
Những tưởng người đi đã lỗi hẹn quên thề.
Em muốn hỏi anh bây giờ tháng mấy, chỉ sợ anh buồn nên giả bộ làm ngơ.(+)
Đêm nay trên con đò nơi bến nước năm xưa, em sẽ vì anh nhóm lại bếp than hồng.
Bấm sợi tơ đồng trỗi mấy khúc cung thương, ngồi tựa bên nhau suốt đêm dài bên ánh lửa…
2/ Nam : Tiếng sáo chơi vơi của buổi chiều cuối hạ, ánh lửa lung linh cho đôi má em hồng.
Tâm trí bâng khuâng theo mấy tiếng tơ đồng.
Nữ : Chung rượu đầy vơi mời anh uống cạn, gió đã lên rồi hiu hắt lá vàng bay.(+)
Nam : Dòng nước chân cầu soi đôi bóng chung đôi, sương nhỏ giọt trên đầu cây ngọn cỏ.
Tiếng sáo đâu đây vẫn mơ hồ trước gió, như bản nhạc buồn kẻ ở tiễn người đi…
NHẠC
Nữ : Hoàng hôn phai nắng, chân trời xa vắng
Còn đâu tiếng tiêu buông.
Nam : Chiều tà mênh mông, thoáng bên đồi nương.
Có tiếng ai thở than.
Tôi thương làng tôi, mái nghèo không manh liếp che.
Tia nắng phai mau ngoài đầu hè.
Nữ : Tôi thương miền quê, khóm tre xác xơ tiêu điều.
Người buồn u uất… ôm tình… sầu.
VỌNG CỔ
5/ Nam : Em ơi! anh mong sao cho tình đôi ta như dòng nước tràng giang êm đềm không lượn sóng. Để được mãi mãi bên nhau trong những ngày hoa mộng, đừng để tàn phai như ánh nắng… ban… chiều.
Xa vắng người thương anh nhung nhớ thêm nhiều.
Nữ : Mai mốt anh đi là hai phương trời cách biệt, ở lại một mình em buồn biết bao nhiêu.(+)
Nam : Em ơi! rồi đây những buổi chiều vàng nơi xóm nhỏ cô liêu, em có ngồi thờ thẫn một mình trên bến vắng.
Đôi mắt lệ nhìn phương trời xa thẳm, trận gió tàn thu lay động bóng con đò.(+)
6/ Nữ : Bườm ai thấp thoáng trong sương mờ lãng đãng, vài cánh cò khuất dạng dưới chân mây.
Anh ơi! ngày gặp nhau khi bóng xế hoàng hôn, còn ngày tiễn biệt là buổi chiều nhạt nắng.
Rồi đây nơi xóm nhỏ với nỗi buồn xa vắng, em vẫn lặng ngồi nơi bến hẹn ngày xưa.
Cội bàng trước gió đong đưa, mùa thu trở lại người chưa thấy về.(+)
Mỗi khi nghe tiếng sáo diều vọng lại giữa hoàng hôn, em ngỡ đó là những cung nhạc của người tình viễn xứ.
Anh ơi! năm tháng mong chờ,
Mõi gót giang hồ xin trở lại quê em.(+)
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: