THƯƠNG NHỚ MẸ HIỀN
Viễn Châu
Lý tòng quân
Con: Ngậm ngùi khi xa rời quê mẹ
Bước chân đi con nhói đau trong lòng
Từ giã mẹ hiền, con thấy lòng chua xót
Mẹ: Dù phải xa con, mẹ vẫn vui trong dạ
Con lo bề công danh
Mẹ ngại gì … quạnh … hiu.
Vọng cổ
1.Con: Ra đến đầu thôn tôi còn trông thấy mẹ tôi kéo vạt áo lau những dòng nước mắt. Tôi lầm lũi bước đi trên con đường cát bụi khi bóng mẹ thân yêu từng phút đã xa … rồi.
Sương trắng bay theo gió quyện cuối chân trời. Chẳng biết đó là sương rơi hay làn tóc mẹ đã phai màu theo năm tháng lạnh lùng trôi. Qua những tháng ngày cơm hẩm canh rau, mẹ vẫn lo cho con sớm được nên người. Nay con đi rồi cách biệt quê hương, đã để mẹ hiền xót xa tình mẫu tử …
2. Mẹ: Hình bóng con tôi lẫn sau màn sương trắng như cánh chim đơn khuất dạng cuối chân trời. Khóe mắt rưng rưng, mẹ nói chẳng lên lời. Nhớ lại năm xưa nơi gian nhà bé nhỏ, mẹ nuôi con lớn khôn bằng tiếng nhạc lời ca. Nhưng buổi chiều tàn của một nghệ sĩ tài hoa còn buồn hơn cả buổi chợ chiều vắng khách. Mẹ chỉ mong sao con làm nên sự nghiệp để mẹ con mình sớm được đoàn viên …
Chiêu quân
Mẹ: Bao năm trời
Nơi xứ lạ ..
Con không về
Thăm viếng mẹ
Ngày qua, tháng lại
Mẹ thương nhớ vô cùng
Mẹ già rồi nay yếu mai đau
Ngày con về với mẹ
Biết đâu mẹ đã không còn.
Vọng cổ
5. Mẹ: Con ơi! Mẹ xa con suốt mười mấy năm trời đăng đẳng. Thao thức từng đêm một mình nơi xóm vắng mỏi mắt chờ trông sao chẳng thấy con … về.
Tháng lại ngày qua quạnh quẽ một thân già. Mẹ sống hẩm hiu với cuộc đời góa bụa qua những đêm buồn nghe gió tạt ngoài hiên. Mẹ đợi con về để mẫu tử đoàn viên, mẹ có người an ủi khi chiều tàn bóng xế. Con ở xa xôi không về bên mẹ, trong khi mẹ của con sắp trút hơi tàn.
Lý con sáo
Con: Nơi nghĩa trang
Trong một buổi chiều sương rơi
Con đã về mẹ ơi
Mẹ thương yêu khuất bóng đâu còn
Qua năm tháng hao mòn
Chiều gần tàn đìu hiu lá hoa
Nghe nhớ nhung nỉ non gần xa
Nhìn mộ phần không ai viếng thăm
Mẹ con cách xa ngàn năm.
về vọng cổ câu 6
Lất phất mưa bay giữa một một chiều nhạt nắng, con đã về đây sao vắng bóng mẹ hiền.
Quỳ trước mộ phần con thắp mấy tuần hương, xin mẹ hãy về đây chứng chiếu
Sương rơi trong nắng thu tàn, dưới nắm đất vàng, mẹ yên giấc ngàn năm./.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: