BÔNG Ô MÔI
Soạn giả Viễn Châu
Lý con sáo:
Bông ô môi ,
Gió cuốn rụng đầy trên sông
Nhìn mây trời mêng mông.
Kẻ ly hương nay đã quay về
Sao trong dạ não nề.
Hồi chuông buồn từ xa vẵng đưa
Trong khói sương thêm tái tê hồn ta.
Ngồi bên bờ nhìn hoa lá rơi.
Cơn gió đưa theo nước sông buồn trôii.
Vọng cổ:
Bến nước năm xưa chỉ còn cội đa già chơ vơ rũ bóng, gió đông ơi lòng tôi đà ớn lạnh sao ngọn gió tàn đông còn thổi làm chi cho bông ô môi rã cánh rụng …
Câu 1: ……tơi bời. Người cũ giờ nay đã vắng dạng lâu rồi . Mây lang thang trôi về nơi vô định sương khói nhạt nhoà hoa thắm cũng buồn trôi, mười năm rồi còn chi nữa em ơi mình xa nhau mỗi kẻ một phương buồn.Tôi giang hồ đã mõi cánh phong sương em ở đây với bốn bề khói lửa.
Câu 2: Tôi quên làm sao ngày em đãi tôi ăn bát canh mồng tơi với nồi cơm gạo mới rồi chia tay từ giã để lên đường. Em bơi xuồng ba lá tiễn đưa tôi đến tận đầu làng, khi chia tay cả hai cùng bịn rịn nước mắt đôi giòng cứ ràn rụa trào tuôn. Về đi em lo rẫy bái ruộng nương mình còn gặp gỡ khi thanh bình trở lại, dù xa cách đầu non hay cuối bãi tôi vẫn vái trời cho quê ngoại bình yên .
Nói lối:
Kể từ đó như cánh bèo mặt nước
Trôi bồng bềnh trên bốn mặt trường giang
Rồi một chiều lòng chạnh nhớ quê hương
Tôi về thăm lại xóm làng quen thuộc.
Vọng cổ:
Tôi ngồi dưới rặng ô môi nhìn những cánh hoa rụng rời trên mặt nước theo trận gió tàn đông lướt thướt …
Câu 4:….bay về, Chuông đổ từ xa một âm thanh vang vọng não nề. Mùi hương khói theo gió chiều phảng phất từ một ngôi chùa đổ nát cạnh dòng sông, trên chiếc xuồng có một ông lão quen quen, màu tuyết trắng trên mái đầu nắng gió, trong lượn sóng bập bềnh xuôi ngược đang thả đường câu trên mặt nước sông đầy.
Câu 5: Bác Sáu giăng câu cho xuồng cập bến ngước mắt nhìn tôi thay tiếng hỏi câu chào. Giây lâu bác mới nhẹ nhàng lên tiếng cháu ở xa về tự hồi nào. Cháu ơi con Tư nó đã lấy chồng từ 5 năm về trước nhưng số phần bạc phước vô duyên, chồng nó chết đi không chỗ tựa nương nó buồn khổ vào chùa xin quy y thí phát, nhưng súng đạn vô tình không tha nơi phật tự, giờ nó thành ra một sư nữ tật nguyền.
Câu 6: Trời u ám bỗng vụt vù cơn gió lạnh cuốn theo từng từng cánh ô môi, tiếng chuông đại đồng vang vọng xa xôi như tiếng khóc u hoài nức nở, trước cổng tam quan tôi còn bở ngỡ, nửa muốn quay về nữa không nở dời chân, tiếng tụng niệm theo gió chiều vọng đến khiến lòng tôi thêm tê tái bâng khuâng.
Ô môi rụng cánh đầy sông
Mấy mùa hoa nở, mấy năm đợi chờ
Tôi bây giờ là một kẻ bơ vơ, bởi đời với đạo phân chia hai lối rẽ
Ô môi rụng cánh tơi bời
Chuông tắt lâu rồi tôi còn đứng trông ai./.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: