LỜI NGƯỜI HÁT RONG
Ngô Hồng Khanh
Lối:
Nếu em là Trác Văn Quân
Thì anh sẽ biến thành chàng Tư Mã
Trỗi khúc Phượng Cầu Hoàng cho nỗi nhớ rưng rưng
Nếu em là Mỵ Nương giữa lầu son rực rỡ
Thì anh nguyện chèo đò chở tiếng sáo Trương Chi
Vọng cổ:
1/ Nhưng em không phải là Mỵ Nương si tình yêu tiếng hát, mà sao tim anh muốn hóa thành chén ngọc in bóng chàng Trương ôm khối tương tư trên sóng nước đa … tình. Đừng nhỏ lệ thương tâm, Mỵ Nương ơi! Làm vỡ khối tuyệt tình. Anh yêu em không bồng bềnh trên sông nước mà có điệu lý qua cầu nối nhịp tim ta. Em đừng hỏi vì sao anh không hát bản tình ca, dẫu trái tim anh vốn là kẻ đa tình, bởi anh không muốn mình là một Trương Chi bỏ lại dòng sông mênh mông nỗi nhớ.
2/ Anh chỉ muốn mình thành một kẻ hát rong, hát mãi bên em và hát giữa cuộc đời. Mỗi giọt máu con tim thành mỗi lời chan chứa tình người. Bởi lời ca em ơi, phải là lời rất thật, rung động đáy tâm hồn, dào dạt trái tim ta. Lời tình ca đâu chỉ gấm và hoa, lời tình ca có chiến hào mưa bom pháo dội. Lời tình ca có máu rơi đồng đội, có ánh mắt ai chờ, ai đợi nhớ thương ai.
Lối:
Khóc phận mình hay thương người xưa bạc phận
Thúy Kiều ơi, nhỏ máu mấy cung đàn
Kia bến Hán Dương khúc Cao Sơn Lưu Thủy
Bá Nha ơi, sao đập vỡ cung đàn
Vọng cổ :
5/ Nhỏ máu tim đau có phải tiếng đàn kia bởi lầm mưu kẻ khác, sông nước Hán Dương vẫn khắc ghi ngày tháng ngộ đàn vẫn còn đây mà Tử Kỳ ơi đã vắng đâu … rồi. Nhưng anh đâu phải làm Bá Nha mà em cũng chẳng phải Thúy Kiều. Khóc phận mình, Kiều trỗi cung bạc mệnh, Bá Nha đập đàn bởi vắng bạn tri âm. Bá Nha cô đơn, Kiều nọ cũng cô đơn, Trương Chi bạc số còn anh luôn diễm phúc. Anh hóa lời ca, em thành phím nhạc quyện mãi bên nhau đi suốt cuộc đời.
6/ Em ơi! Tình của anh là tình người nghệ sĩ, hát với cuộc đời, với khắp nẻo quê hương. Đất nước trăm miền chỉ một dạ sắt son. Chiều xứ Lạng ai bồng con hóa đá. Đêm Cà Mau ai đàn bài dạ cổ, lời ca anh muôn thuở vẫn chung tình. Không! Nếu em là Trác Văn Quân thì anh không trở thành chàng Tư Mã, trỗi khúc Phượng Cầu Hoàng cho nỗi nhớ riêng em.
Lời người hát rong, là lời cho tất cả
Tình người hát rong, tình của kẻ đa tình
Soạn giả Ngô Hồng Khanh sinh năm 1945, là con trai của liệt sĩ Ngô Kim Hồng, ở ấp Bình, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè. Năm 1961, lúc đang học ở trường Trung học Tống Phức Hiệp (nay là trường Lưu Văn Liệt, TP. Vĩnh Long), Ngô Hồng Khanh đã tham gia hoạt động cách mạng hợp pháp tại xã nhà. Năm 1963, cán bộ của Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Nam (R) về huyện Cái Bè tuyển diễn viên, Ngô Hồng Khanh đăng ký đi và được tuyển thẳng về công tác tại đoàn văn công này. Đến năm 1972, Ngô Hồng Khanh được ra Hà Nội vừa học, vừa sáng tác ca cổ cho Đài Phát thanh Hà Nội và Đài Giải phóng. Năm 1974, anh tốt nghiệp khoa đạo diễn của Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam.
Sau giải phóng miền Nam, Ngô Hồng Khanh công tác ở Quân khu 9. Năm 1978, anh được chuyển ngành sang dân chính, làm Phó Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Hậu Giang (2 tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng sáp nhập thành tỉnh Hậu Giang từ năm 1976 - 1991). Khi chia tỉnh trở lại, Ngô Hồng Khanh là Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Cần Thơ, đại biểu Quốc Hội khóa IX, nhiệm kỳ 1994 - 1999; năm 1998 là Ủy viên Ban Thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Vụ trưởng Ban Văn hóa - tư tưởng Trung ương; đến năm 2007 được nghỉ hưu trí và đang ở TP. Hồ Chí Minh.
Quá trình hoạt động nghệ thuật, soạn giả Ngô Hồng Khanh đã sáng tác trên 50 vở cải lương, 600 bài vọng cổ ca ngợi tình quân - dân, tình đồng đội, những chiến công trong kháng chiến và những thành tựu trong xây dựng, phát triển đất nước; trong đó có những vở cải lương đã đoạt Huy chương Bạc trong các lần hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, toàn quân như các vở: Hoa đồng nước nổi (năm 1984); Mưa nguồn (năm 1985); Êm ả một dòng sông, Tình ca đêm chơi vơi (năm 1990); Loài hoa không tên (năm 1995)...
Ngô Hồng Khanh sáng tác nhiều bài vọng cổ hay, đã được nhiều nghệ sĩ tài danh ca thu thanh, thu hình phát trên sóng các đài phát thanh - truyền hình cả nước. Các hãng băng, đĩa cũng thu thanh, thu hình để kinh doanh. Nhiều thí sinh đã ca - diễn dự thi các cuộc hội diễn, hội thi vọng ca cải lương toàn quốc, khu vực, Giải "Bông lúa vàng" (2 năm 1 lần) và tuyển chọn giọng ca cải lương hàng tuần tại Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh đạt nhiều giải cao và khán, thính giả yêu thích, như các bài: Lời người hát rong, Đêm Quan họ, Thương em nhiều qua là thư xuân,Cung đàn mới, Cung đàn mùa hạ, Chiều sông Lô, Tiếng ru đêm, Trăng Cao nguyên, Mùa bông tràm... Riêng bài "Hương sen Đồng Tháp", ca ngợi xã Mỹ Lợi và tổ thương binh anh hùng tại xã này, do 2 nghệ sĩ tài danh Thanh Nhanh và Thanh Thoản ca.
Từ tháng 5-2008 đến nay, soạn giả Ngô Hồng Khanh làm Trưởng Ban Giám khảo các cuộc thi tuyển giọng ca cải lương, Giải "Bông lúa vàng" và thi giọng ca cải lương hàng tuần tại hội trường Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh, được trực tiếp truyền thanh từ 14-15 giờ 30 mỗi chiều thứ bảy hàng tuần.