NGẬM NGÙI TRÊN ĐẤT ĐÔN CHÂU
Đặng Thanh Huyền
Ngâm Thơ
Lần đầu con ghé Đôn Châu
Sao chiều nay bỗng nghe sầu giăng giăng
Bác về bên cõi vĩnh hằng
Tiễn đưa… nước mắt cố ngăn vẫn tràn.
Nam Ai (8 câu)
Ôi tiếng đàn dìu dặt bi… ai
Quyện gió lay rung động trong hồn
Chợt bồn chồn thương nhớ Trà Vinh
Ai ca câu vọng cổ đậm tình
“Giây Phút Ngậm Ngùi” của Bác Viễn Châu:
“Thôn ấp ngày nào đổ nát hoang sơ,
Nay lại vang lên tiếng hát tiếng đàn…*”.
Cho lòng càng nhói đau
Đây nén tâm hương kính cẩn nghiêng mình
Thắp ấm lòng mảnh đất Đôn Châu
Con chắp tay nguyện cầu
Đưa Bác vào thiên thu
Người đã xa ân tình còn gửi lại
Trong từng câu vọng cổ chở vui buồn
Trà Cú ơi giọt nhớ chảy qua hồn
Cả đất trời cùng tiếc thương.
Vọng Cổ
Đang chờ đón xuân sang con chợt nghe nhoi nhói tâm can bên bản đàn lạc giọng. Từng nhịp Nam ai lay hồn xao động khi biết Người đi vào cõi mộng đến... muôn... đời.
Câu 1. Trăm nỗi buồn thương vương nặng áng mây trời.
Từ thuở ấu thơ được ru bằng lời vọng cổ,
Con mang vào đời nỗi nhớ “Lá Trầu Xanh”:
“Trên con đê dài thoăn thoắt đôi chân…*”,
Những gánh lương duyên trĩu nặng đường trần.
Con đã lớn dần nhờ câu hát nghĩa nhân,
Giờ tiễn Bác đi đau mấy tầng hương khói.
Câu 2. Đi giữa non sông mà nghe lòng bổi hổi, ngỡ mình ly hương nay vạch lối tìm về.
Văng vẳng lời ca “Xuân Đất Khách” não nề:
“Trời ủ dột như nỗi sầu lữ thứ…*”,
Tha nhân hẹn về thăm xứ sở yêu thương.
Riêng Bác xuân này đã vĩnh biệt quê hương,
Để nhành mai bên đường đứng trơ vơ ngóng đợi.
Từng búp non xinh đón xuân hồ hởi,
Chưa kịp nở tròn đã lã chã hồn hoa.
Lý Giao Duyên
Nước mắt con… rơi
Lan tràn nỗi… nhớ
Mặn đắng nghẹn… ngào
Không thốt nên… lời
Bác Viễn Châu… ơi
Bác đã đi… xa
Câu hát ngân nga
Trên quê hương tha thiết nặng ân tình
Chuyến đi này chẳng trở về thăm
Bác phiêu bồng nơi lạc cảnh ngàn năm.
Vọng Cổ
Ơi mảnh đất Đôn Châu dẫu lần đầu con đến mà đã thấy xuyến xao trìu mến… trong… lòng.
Câu 5. Chiều vẫn luyến lưu vài sợi ráng hồng.
Như vạn tấm lòng dâng hương thành kính,
Đưa tiễn cha già về ngủ giấc thiên thu.
Lời vọng cổ ngọt ngào như tiếng mẹ ru,
Cùng Bác trải qua bao thăng trầm dâu bể.
Dòng nhạc tinh khôi lưu truyền cho hậu thế,
Lồng lộng nghĩa nhân nâng đỡ những tâm hồn.
Trăng Thu Dạ Khúc
Chắp tay ly biệt… cung đàn mênh mông đã xa
Trên khắp quê nhà, hoa nở la đà
Trà Vinh vắng Bác Bác ơi
Câu ca gieo nặng tình quê nơi trái tim
Vô vàn niềm thương, tha thiết bên đời
Bác không trở lại cho lòng con thêm nhói đau.
Về Vọng Cổ
Câu 6. Đi giữa thềm xuân mai vàng khoe sắc thắm, con sẽ thay Cha hát tiếp đón giao thừa.
Ngậm ngùi giây phút tiễn đưa
Giọt thương giọt tiếc đã thừa trong khăn
Bác đi về cõi vĩnh hằng
Sương chan nước mắt, con cố ngăn… vẫn tràn./.
_________________________________
Long Xuyên, ngày 09 tháng 02 năm 2016.
(* Lời các bài ca cổ GIÂY PHÚT NGẬM NGÙI, LÁ TRẦU XANH và XUÂN ĐẤT KHÁCH của cố NSND - Soạn giả Viễn Châu)
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---