CÔ HÀNG CHÈ TƯƠI
Soạn giả Viễn Châu
Nhạc:
Ai đang đếm bước ra nơi tiền tuyến
Súng trên vai đi đi dưới sương mờ
Hăng hái lên khi sơn hà nguy biến
Bước vinh quang em tha thiết mong chờ.
Bóng anh khuất dần, trên lối mòn gập ghềnh ra ải quan
Em đứng nhìn anh, gửi mong buồn theo dõi bóng mây ngàn
Anh ra chốn ấy trăng treo đầu súng
Bước hiên ngang anh đi cứu quê nhà
Mai mốt đây anh trở về thôn xóm
Có em đang chờ anh dưới trăng tà
Có em đang chờ anh ... dưới ... trăng ... tà.
Vọng cổ:
1. Các anh đi đâu khi vầng dương vừa lố dạng hãy dừng chân uống cạn mấy chung ... trà. Có phải các anh ra đi giết giặc cứu sơn hà. Hãy dừng chân giây lát ghé lại nơi này để rủ bụi đường xa. Quán hàng em có bát nước chè tươi và luôn luôn có sẵn một nụ cười, để thưởng khách chinh nhân, đã trở về với vòng hoa chiến thắng.
2. Các anh về đây khiến cho em hân hoan trong tất dạ, khi nhìn thấy xa xa lố dạng lá quân kỳ. Mắt nhìn nhau không biết nói câu gì. Các anh xứng đáng là trai thế hệ, em cũng phải tỏ ra mình là bổn phận người dân. Hái đóa hoa sim nở giữa rừng xanh em âu yếm cài lên vai áo chiến. Hãy vào đây để chờ trời rực sáng và sẽ được ấm lòng với đôi chén trà tươi.
Thơ/ nhạc
Em hái hoa rừng vắt áo anh
Xa xôi xin nhớ buổi lâm hành
Anh đi xây đắp ngày tươi thắm
Em vẫn mong chờ kẻ chiến binh
3/4. Em đã biết yêu từ năm mười tám tuổi nhưng nói ra chỉ sợ mấy anh ... cười. Em yêu bóng cờ thiêng đón gió giữa lưng trời. Em chỉ yêu những tâm hồn cao cả chớ thật cõi lòng chưa biết yêu ai. Em yêu từ cánh chim bay, yêu hoa sim tím yêu đời chiến binh. Em yêu đất nước quê hương yêu người chiến sĩ nắng sương không nài.
5. Em sẽ ca lên một bài ca chiến thắng để cho các anh ấm lại tâm hồn. Mai mốt có xông pha trên vạn nẻo sa trường. Nghe gió reo nghe suối chảy hãy vọng hướng chân trời để nhớ tiếng em ca. Những tiếng ca trong trẻo thơ ngây, đầy tin tưởng của một cô hàng nước, tiễn đưa anh lên đường chinh chiến, cứu non sông đâu nại bước nguy hàng.
6. Gió lên rồi trong ánh nắng buổi bình minh, ngàn hoa thắm rụng đầy trên mặt đất. Có phải hoa thơm muốn được cài trên vai áo chiến, để được đăng trình còn vướng đọng mùi hương. Các anh có tưởng đến em hãy nhớ lấy kỹ lời ca tiếng nhạc, hãy nhớ túp lều tranh mục nát và hãy vì em uống cạn mấy chung trà.
Anh đi chốn ấy trăng treo đầu súng
Bước hiên ngang anh đi cứu quê nhà
Mai mốt đây anh trở về thôn xóm
Có em đang chờ anh dưới trăng tà.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: