HOA LỤC BÌNH
Soạn giả Viễn Châu
CAO PHI:
Nhớ ngày thơ ngây, hai đứa mình đi vớt lục bình.
Trên bờ sông xanh, chiều phai nắng lững lờ mây trôi.
Lục bình hoa tím anh hái trao người bạn gái xinh xắn.
Má lúng đồng tiền em nhí nhảnh tươi cười bên anh.
Kết hoa anh cài lên mái tóc em vừa ngang vai.
VỌNG CỔ:
Câu 1:
Thời thơ ấu qua mau như dòng Hậu Giang cuộn chảy, đến tuổi hoa niên anh thấy lòng mình xao xuyến khi cài hoa lên tóc người yêu trong thuở ban… đầu. (-)(-)
Một buổi hoàng hôn trên bến hẹn năm nào. Tay nâng niu hoa lục bình sắc tím em mơ màng kể chuyện cho anh nghe. (SL)
Ngày xưa chúng mình là tiên đồng và tiên nữ rủ nhau vào ngự uyển lúc xuân sang. Anh hái trộm hoa để cài lên mái tóc em, nên trờ đài hai ta xuống miền dương thế.
Câu 2:
Câu chuyện thần tiên đã mở đầu cho một thiên bi tình đẫm lệ của hai kẻ yêu nhau mà không nên chuyện cau trầu. (-)(-)
Song thân của em đã lựa chốn sang giàu. Khinh rẻ anh là đứa nghèo hèn thất học khi cha mẹ anh nhờ mai mối đến cầu hôn. (SL)
Vì quá hận sầu anh cất bước ly hương, em đưa tiễn mà nghẹn ngào đau xót. Anh ơi dù đôi ta không thành duyên nợ nhưng trọn đời em mãi mãi yêu anh./-
LÝ CON SÁO:
Tôi… ra đi,
Viễn xứ dạn dày phong sương,
Tan vỡ mộng tình yêu đương.
Ôi nhớ thương năm tháng chốn quê người
Với bao cay đắng cuộc đời.
Những đêm nhìn vầng trăng sáng soi,
Hoa tím xưa nở trong lòng tôi.
Chắc bây giờ em vui lứa đôi,
Đâu nhớ chi đến câu thề xưa.
VỌNG CỔ:
Câu 4:
Nơi tha phương anh gởi niềm riêng qua những đường tơ như rướm máu, lận đận kiếp cầm ca anh mang nặng nợ dâu… tằm. (-)(-)
Tâm tư vẫn ấp ủ bóng hình em trong đau khổ âm thầm. Anh về quê cũ trong một chiều nhạt nắng đứng thẫn thờ trên bến nước Hậu Giang. (SL)
Sông xưa vắng bóng đò ngang, chim bay về chốn non ngàn xa xa. Tưởng mơ lứa tuổi ngọc ngà, nhớ thương mái tóc cài hoa lục bình./-
Câu 5:
Anh hỏi thăm người quen nơi xóm cũ mới hay hung tin em đã lìa khỏi trần gian, vì sự ép buộc tơ duyên của hai đấng sanh thành. (-)(-)
Một sáng tinh sương hôn lễ cử hành. Em mặc áo cưới màu hoa kỷ niệm để đi theo chồng về xứ lạ đường xa. (SL)
Tắc ráng đưa dâu rẽ qua dòng sông Hậu em nhìn hoa lục bình mà tan nát tâm can. Rồi em nhảy xuống dòng sông lạnh khi mặt trường giang nổi dậy ba đào./-
Câu 6:
Mấy hôm sau thân xác em trôi dạt đến bờ xa nằm giữa đám lục bình xanh thắm. Áo em tím hoa lục bình cũng tím, tím cả khung trời uất nghẹn thương đau. Anh về đây những mong tìm lại người xưa nhưng em đã yên giấc nghìn thu dưới đáy mộ. Tiên nữ ngày nay đã trở về thượng giới bỏ lại trần gian bơ vơ một tiên đồng. (SL)
Cô đơn anh đến bờ sông,
Hái hoa kỷ niệm kết vòng hoa tang.
Phủ hoa lên nấm mộ nàng,
Bước đi một bước hai hàng lệ tuôn./.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: