CÁNH ĐỒNG NĂNG
Trọng Nguyễn
Nói lối:
Mẹ Phan Thị Lựu con về đây thăm mẹ
Giữa mùa me thay lá non tơ
Cánh đồng năng con cò trắng bơ vơ
Đang kiên nhẫn vượt đường xa về tổ.
Câu 1
Mẹ ơi! Mẹ không còn nhưng con vẫn nhớ, con cá ngát ba câu mẹ nấu nồi canh chua lá me trong chiều hôm ấy. Một bữa cơm ngon tiễn con đi đánh giặc có nước mắt mẹ chan nghe mằn mặn chén cơm…chiều.
Đứng bên này sông mẹ vói theo căn dặn bao điều.
Nói câu gì mẹ không còn nhớ, chỉ thấy con gật đầu lòng mẹ bình yên.
Cánh đồng năng buổi ấy chao nghiêng, mẹ đứng không vững để nhìn con cho rõ.
Đứng bên kia sông miệng con cũng thì thầm, chữ mất chữ còn chữ thương chữ nhớ.
Câu 2
Phía bên này sông đêm đêm mẹ thức, mẹ cố hình dung hình dáng của con.
Cái mặt nó tròn đôi vai nó rộng, con nó giống ba nên ít nói hay cười.
Một cây một trái nay nó đã đi rồi.
Kháng chiến mà ai ngồi yên cho được, tất cả cùng làm góp sức chung tay.
Chuyện nước non đâu phải ngày một ngày hai, nghĩ như vậy mẹ thấy nguôi nỗi nhớ.
Sông Hoà Thạnh nước ròng trườn ra biển ngày mai con về nước sẽ đầy sông.
Nói lối:
Phía bên kia sông có người lính mang ba lô còn mới
Mẹ đón về nhà người đồng đội của con
Ôm chiếc ba lô nước mắt mẹ không còn
Chiếc khăn rằn vẫn mới nguyên nếp vải.
Câu 5
Ba lại đi tuốt lá me mẹ ngồi nhóm lửa cho nồi canh chua ngỡ ngàng toả khói. Bên nén hương run rẩy mẹ cắm vào chai thành chiếc lư hương buốt lạnh cánh tay…gầy.
Ăn đi con con ăn chén cơm này.
Chén cơm thằng Sang mẹ vừa cúng nó, nó đi rồi vừa qua khỏi cánh đồng năng.
Người lính bưng chén cơm chan nước mắt, anh nhớ mẹ già cũng tựa cửa chờ con.
Người lính lại đi bên này sông mẹ tiễn, rồi đợi thằng Sang khi nước lớn sông đầy.
Câu 6
Rồi từ đó mỗi chiều mẹ đứng đợi, đợi con về từ phía cánh đồng năng.
Nó chẳng về đâu lời ba nhỏ nhẹ rồi dìu mẹ vào khi chiều bạc màu sương.
LÝ MỸ HƯNG
Bao niềm riêng theo về gió đang giao mùa
Trời thu nắng lùa xô nỗi buồn kéo nghiêng bóng chiều
Đồng năng mờ xa chấp chới cánh cò cô đơn
Thương nhớ nặng mang người ơi bao giờ nguôi
Vẫn nguyên bóng chiều mẹ cầm tay con đưa tiễn
Giữ lại giọt buồn rơi rụng trôi về đồng năng.
(Trở về vọng cổ)
Ông nó ơi! Thằng Sang có về kêu ra thăm tôi ngoài mộ, dù có chậm bao lâu tôi vẫn đợi con về.
Long Điền ơi! Cánh đồng năng nay thành biển lúa, sao sự đợi chờ còn nguyên vẹn đó mẹ ơi!
Cây me trước nhà vào mùa thay lá, cho nồi canh chua buồn thổn thức lá me bay.
Nghệ sỹ, soạn giả Trọng Nguyễn tên thật là Nguyễn Phú Xuân, sinh năm 1938, tại xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, trong gia đình nông dân, yêu nước, yêu quý ca nhạc tài tử, cải lương. Trọng Nguyễn còn có các bút danh khác như: Dương Nghĩa Trần, Khắc Tâm, Bùi Công Sắc.[1]
Từ thuở còn đi học trường trung học Thái Văn Lung, Trọng Nguyễn đã được học nhạc với nhạc sỹ Trương Bỉnh Tòng và Hoàng Mãnh.
Năm 1954, khi mới vừa 16 tuổi Trọng Nguyễn đã thoát ly gia đình, đi theo cách mạng, được tổ chức phân công, lần lược qua các nhiệm vụ, như: tổ trưởng tổ giao liên, phân đoàn trưởng thanh niên lao động, tổ trưởng trong lực lượng vũ trang tỉnh Cà Mau.
Năm 1961, Trọng Nguyễn được về làm Bí thư Đoàn của Đoàn Văn Công tỉnh Cà Mau, cũng là thời gian thuận lợi nhất để Trọng Nguyễn phát triển tài năng nghệ thuật của mình. Năm 1972, Trọng Nguyễn được tín nhiệm làm Bí thư chi bộ, chính tri viên, Đoàn Văn Công Khu Tây Nam Bộ. Từ đó, Trọng Nguyễn lần lược giữ các nhiệm vụ như: Chủ tịch Hội VH, NT tỉnh Bạc Liêu, Ủy viên Ban Chấp Hành Hội Sân Khấu Việt Nam, Liên Chi Hội trưởng Chi Hội Sân Khấu Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long.
Từ năm 2002, Trọng Nguyễn bắt đầu hưu trí.
Cuộc đời nghệ thuật của Trọng Nguyễn được bắt đầu từ sáng tác thơ, từ những năm 1950. Nhưng công chúng biết nhiều đến nghệ danh Trọng Nguyễn qua những bài ca Vọng cổ, kịch bản cải lương, và một số bản tân nhạc. Trong đó, có 19 kịch bản cải lương, hơn 200 bài ca Vọng cổ. Nổi bật có các tác phẩm như: Giọt Máu Oan Cừu, Bóng biển, Rừng Thần; Ơn Đảng, Bạc Liêu Ngày Ấy, Chợ Mới, Giọt Sữa Cuối Cùng.v.v. Hầu hết các tác phẩm của Trọng Nguyễn đều được xuất bản, phổ biến trên các phương tiện truyền thông.
Trọng Nguyễn xứng đáng được tôn vinh là một trong những cánh chim đầu đàn của tỉnh Bạc Liêu, trong hơn 40 năm qua, với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật ca nhạc tài tử, cải lương tại địa phương, cũng như Miền Tây Nam Bộ. /.