ĐỒI DỐC CHUỐI
Trọng Nguyễn
Lối:
Nam: Giờ Lịch sử hôm nay,
Cô trân trọng viết lên bảng đen ba chữ “Đồi Dốc Chuối”,
Đôi mắt cô xa xăm như đang tìm lại những dấu… chân…
Nam đảo
Xưa… Chiến sĩ Điện Biên,
Bám đá kéo pháo lên đồi.
Giữa dốc đèo chơi vơi,
Không ngừng nghỉ một giây.
Nữ: Máu nhuộm cả chân tay,
Cố hết sức con người.
Nguy hiểm vẫn không rời,
Giờ điểm hỏa đã đến nơi.
Bổng, khẩu pháo đứt dây,
Chệnh choạng lao xuống chân đồi.
Tiếng anh thét rung trời,
Nam: Hãy cứu pháo, anh em ơi!
Nữ: Khẩu pháo rung lên,
Rồi nằm lại giữa lưng đồi,
Đồng đội nghẹn lời,
Nước mắt trào tuôn rơi.
Vọng cổ:
Nam: 1. Tô Vĩnh Diện, người chiến sĩ pháo binh lấy thân mình chèn bánh xe cứu pháo, pháo được bình yên leo lên đồi cao Dốc Chuối nước mắt đồng đội cứ rơi rơi ướt mình thân pháo như những giọt sương… rừng…
Nữ: Tây Bắc mênh mông, đồi núi chập chùng. Đang chuyển mình đem vào chiến dịch, đồng Mường Thanh như chật ních những bàn chân. Còn bên Đồi Dốc Chuối, những người pháo thủ tiễn biệt anh vào giấc ngủ ngàn thu.
Nam: Có một vì sao lấp lãnh giữa sương mù, như mắt anh đợi giờ nổ súng.
Nữ: 2. (8N) Đồi Him Lam rung mình chìm trong bão lửa, cửa ngõ thép Điện Biên phút chốc bị đập tan. Có nước mắt anh em trong từng trái pháo, và có cả máu của anh người Vệ quốc anh hùng.
Nam: Đồi Him Lam, giặc liều chết quyết chống trả đến cùng. Năm ngày đêm giành nhau từng mõm đá, súng đỏ nòng, người khát nước đói cơm.
Nữ: Phan Đình Giót lao lên như ngọn gió lấy thân mình lấp lỗ châu mai. Cô ngừng kể, đôi mắt cô chở đầy sương núi, giọng nghẹn ngào đôi môi nhỏ rung rung.
Lối:
Nhắm mắt lại, em nghe ve kêu ngoài ngõ,
Mùa hè về hoa phương rụng đầy sân.
Nam: 50 năm rồi, âm vang còn đó,
Điện Biên xanh trong ánh mắt học trò.
Vọng cổ:
Nữ: 5. Từ chuyện kể của cô đêm ấy em nằm mơ thấy mình đến thăm đồi Dốc Chuối, đường pháo ngày xưa máu xương hòa trong đất nay đã tươi xanh nở rộ hoa… hồng… Hương khói trong hoa, giữa vị ngọt thơm nồng. Em hái đầy tay về quê anh tặng mẹ, ở xã nông trường hoa gạo đỏ bờ đê.
Nam: Anh nắm tay em căn dặn vỗ về, học giỏi chăm lo thay anh giữ gìn đất nước.
Nữ: Đưa tay ngang vành mũ anh chỉ về phía trước, thành phố Điện Biên sáng rực những sao trời.
6. (8N) 50 năm rồi như mới hôm qua, em bàng hoàng khi vừa tỉnh giấc. Kí ức giấc mơ chợt về rồi bay mất, nghe hương rừng còn phản phất đâu đây.
Nam: Điện Biên xanh trong nắng gió dạn dày, các anh đã ngủ yên trong lời ru đất nước. Lời hát ru ngọt ngào bay lên phía trước, cho lịch sử xanh tươi trên trang giấy học trò.
Nữ: Tây Bắc ơi em sẽ về thăm phố núi,
Nam: Dịp hè về hoa phượng rụng đầy sân.
Nữ: Chưa đến Him Lam chưa qua đồi Dốc Chuối, Điện Biên luôn ở trong lòng cùng tên tuổi các anh./.
Nghệ sỹ, soạn giả Trọng Nguyễn tên thật là Nguyễn Phú Xuân, sinh năm 1938, tại xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, trong gia đình nông dân, yêu nước, yêu quý ca nhạc tài tử, cải lương. Trọng Nguyễn còn có các bút danh khác như: Dương Nghĩa Trần, Khắc Tâm, Bùi Công Sắc.[1]
Từ thuở còn đi học trường trung học Thái Văn Lung, Trọng Nguyễn đã được học nhạc với nhạc sỹ Trương Bỉnh Tòng và Hoàng Mãnh.
Năm 1954, khi mới vừa 16 tuổi Trọng Nguyễn đã thoát ly gia đình, đi theo cách mạng, được tổ chức phân công, lần lược qua các nhiệm vụ, như: tổ trưởng tổ giao liên, phân đoàn trưởng thanh niên lao động, tổ trưởng trong lực lượng vũ trang tỉnh Cà Mau.
Năm 1961, Trọng Nguyễn được về làm Bí thư Đoàn của Đoàn Văn Công tỉnh Cà Mau, cũng là thời gian thuận lợi nhất để Trọng Nguyễn phát triển tài năng nghệ thuật của mình. Năm 1972, Trọng Nguyễn được tín nhiệm làm Bí thư chi bộ, chính tri viên, Đoàn Văn Công Khu Tây Nam Bộ. Từ đó, Trọng Nguyễn lần lược giữ các nhiệm vụ như: Chủ tịch Hội VH, NT tỉnh Bạc Liêu, Ủy viên Ban Chấp Hành Hội Sân Khấu Việt Nam, Liên Chi Hội trưởng Chi Hội Sân Khấu Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long.
Từ năm 2002, Trọng Nguyễn bắt đầu hưu trí.
Cuộc đời nghệ thuật của Trọng Nguyễn được bắt đầu từ sáng tác thơ, từ những năm 1950. Nhưng công chúng biết nhiều đến nghệ danh Trọng Nguyễn qua những bài ca Vọng cổ, kịch bản cải lương, và một số bản tân nhạc. Trong đó, có 19 kịch bản cải lương, hơn 200 bài ca Vọng cổ. Nổi bật có các tác phẩm như: Giọt Máu Oan Cừu, Bóng biển, Rừng Thần; Ơn Đảng, Bạc Liêu Ngày Ấy, Chợ Mới, Giọt Sữa Cuối Cùng.v.v. Hầu hết các tác phẩm của Trọng Nguyễn đều được xuất bản, phổ biến trên các phương tiện truyền thông.
Trọng Nguyễn xứng đáng được tôn vinh là một trong những cánh chim đầu đàn của tỉnh Bạc Liêu, trong hơn 40 năm qua, với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật ca nhạc tài tử, cải lương tại địa phương, cũng như Miền Tây Nam Bộ. /.