ƠN ĐẢNG
Soạn giả Trọng Nguyễn
Nói lối
Ngày toàn thắng tôi có dịp về thăm quê cũ
Viếng mộ mẹ hiền tôi đứng lặng giây lâu
Chuyện ngày xưa còn quằng nặng cơn sầu
Dòng quay ngược nợ hiếu lòng con thành nước mắt
Vọng cổ
Mẹ ơi! Phận cút côi tháng năm tưởng đời quên lãng, nhưng nhờ ơn Đảng cứu sống đời con trong đêm tối kinh… hoàng
1. Con sợ bóng đêm đói lạnh cơ hàn.Cha thì còng lưng cuốc mướn. còn mẹ thì vẫn ngập mình ở dưới đồng sâu, cho đến khi cúm núm kêu chiều, đàn chim muôn vội vàng về tổ ấm. Những đứa con khờ láo nháo chờ trông, nhưng mẹ vẫn chưa về khi màn đêm giăng đầy bóng tối.
2. Những ngày tháng 10 gió mưa ngập lụt, gió đưa mưa về cho cơn lạnh thấu xương. Chiếu rách lá chằm mẹ che cho đàn con trẻ, mà mưa vẫn rơi, mưa trắng cả đêm dài… Ôi, những sợi mưa hay xót đau lòng mẹ và đè nặng vai gầy… Mẹ thổn thức hay gió mưa nức nở, mà tiếng thở dài như nghẹn từng cơn. Chiếu rách lá chằm đã làm òn xác thân của mẹ, sống kiếp tá điền tắt lịm ước mơ. Mẹ đã lìa đời sau cơn bạo bệnh, những đứa con khờ thành những kẻ mồ côi.
Nói lối
Mẹ ơi, con đã lớn sau ngày tháng Tám
Biết cằm cờ và quàng khăn đỏ thắm tươi
Con bập bẹ những câu Đảng đã đổi đời
Đem áo ấm cơm no cho những người đói rách
Vọng cổ
Mẹ ơi, con đã hiểu ngây thơ ở tuổi đời trong sạch mà thành vết hằn sâu trong tim con qua hai mươi mấy năm… trường
5. Nối gót cha anh con lại lên đường… Diệu kỳ thay những câu ngày xưa con bập bẹ, nay đã trở thành lý tưởng của đời con. Cuộc đọ sức những năm dài đánh giặc, tưởng chừng như không vượt nổi gian nguy. Vì áo ấm cơm no, vì tự do độc lập, con lại xông lên không một phút ngập ngừng.
6. Mẹ ơi, con đã hiểu vì sao con của mẹ trở thành người chiến sĩ trung kiên. Chỉ có Đảng – Đảng là đấng mẹ hiền, dạy cho con biết ngẩng cao đầu và đứng thẳng. Biết đổ máu cho đất nước được màu xanh hy vọng, đói rách qua rồi đời đẹp lắm, mẹ ơi! Những người cơm vãi cơm rơi, bây giờ làm chủ đất trời Việt Nam; Mẹ có vui không trong niềm vui đó – có cả máu cha ông, dòng máu quật cường. Đường lên hạnh phúc chân trời rộng, nhờ Đảng quang vinh dẫn dắt đường. Nối bước con đi nâng dòng suy nghĩ, những việc con làm vì Đảng vì Dân ./.
Nghệ sỹ, soạn giả Trọng Nguyễn tên thật là Nguyễn Phú Xuân, sinh năm 1938, tại xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, trong gia đình nông dân, yêu nước, yêu quý ca nhạc tài tử, cải lương. Trọng Nguyễn còn có các bút danh khác như: Dương Nghĩa Trần, Khắc Tâm, Bùi Công Sắc.[1]
Từ thuở còn đi học trường trung học Thái Văn Lung, Trọng Nguyễn đã được học nhạc với nhạc sỹ Trương Bỉnh Tòng và Hoàng Mãnh.
Năm 1954, khi mới vừa 16 tuổi Trọng Nguyễn đã thoát ly gia đình, đi theo cách mạng, được tổ chức phân công, lần lược qua các nhiệm vụ, như: tổ trưởng tổ giao liên, phân đoàn trưởng thanh niên lao động, tổ trưởng trong lực lượng vũ trang tỉnh Cà Mau.
Năm 1961, Trọng Nguyễn được về làm Bí thư Đoàn của Đoàn Văn Công tỉnh Cà Mau, cũng là thời gian thuận lợi nhất để Trọng Nguyễn phát triển tài năng nghệ thuật của mình. Năm 1972, Trọng Nguyễn được tín nhiệm làm Bí thư chi bộ, chính tri viên, Đoàn Văn Công Khu Tây Nam Bộ. Từ đó, Trọng Nguyễn lần lược giữ các nhiệm vụ như: Chủ tịch Hội VH, NT tỉnh Bạc Liêu, Ủy viên Ban Chấp Hành Hội Sân Khấu Việt Nam, Liên Chi Hội trưởng Chi Hội Sân Khấu Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long.
Từ năm 2002, Trọng Nguyễn bắt đầu hưu trí.
Cuộc đời nghệ thuật của Trọng Nguyễn được bắt đầu từ sáng tác thơ, từ những năm 1950. Nhưng công chúng biết nhiều đến nghệ danh Trọng Nguyễn qua những bài ca Vọng cổ, kịch bản cải lương, và một số bản tân nhạc. Trong đó, có 19 kịch bản cải lương, hơn 200 bài ca Vọng cổ. Nổi bật có các tác phẩm như: Giọt Máu Oan Cừu, Bóng biển, Rừng Thần; Ơn Đảng, Bạc Liêu Ngày Ấy, Chợ Mới, Giọt Sữa Cuối Cùng.v.v. Hầu hết các tác phẩm của Trọng Nguyễn đều được xuất bản, phổ biến trên các phương tiện truyền thông.
Trọng Nguyễn xứng đáng được tôn vinh là một trong những cánh chim đầu đàn của tỉnh Bạc Liêu, trong hơn 40 năm qua, với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật ca nhạc tài tử, cải lương tại địa phương, cũng như Miền Tây Nam Bộ. /.