DẠ CỔ HOÀI LANG
Cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu
Phần Nhạc:
1. Hò là xang xê cống
2. Ú liu cổng líu cổng xê xang
3. Hò xê líu cống xê xang là hò
4. Xê xang xê xang là hò
5. Liu xang u liu xàng
6. Liu xáng xàng xề liu “ú liu”
7. Hò là xang xê cống
8. Xê líu xừ cống xê líu xừ xang
9. Hò xê cống xê xang xư
10. Xê líu xừ cống xê xừ xang
11. Xự - xang xư cống xê xang là hò
12. Xề xang xề là hò “xề là hò”
13. Cống xê xàng hò xang cống xê
14. Xê líu xừ cống xê líu xừ xang
15. Ú liu cộng liu cộng xề xàng
16. Liu xáng xàng xề phạn liu “ú liu”
17. Hò xư cống xê xang là hò
18. Xê líu xừ cống xê líu xừ xang
19. Ú liu cộng liu cộng xê xang
20. Liu xáng xàng xề phạn liu “ú liu”
Phần lời:
1. Từ là - từ phu tướng
2. Báu kiếm sắc phán lên đàng
3. Vào ra luống trông tin nhạn
4. Năm canh mơ màng
5. Em luống trông tin chàng
6. Ôi! gan vàng thêm đau
7. Đường dầu xa, ong bướm
8. Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
9. Đêm luống trông tin bạn
10. Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
11. Vọng - phu vọng luống trông tin chàng
12. Lòng xin chớ phụ phàng
13. Chàng là chàng có hay
14. Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
15. Bao thuở đó đây sum vầy?
16. Duyên sắt cầm đừng lợt phai
17. Là nguyện cho chàng
18. Hai chữ an - bình an
19. Trở lại gia đàng
20. Cho én nhạn hiệp đôi.
Ông Cao Văn Lầu sinh ngày 22/12/1890 tại xóm Cây Cui, thôn Thuận Lễ, tổng Thạnh Hội Hạ, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay là tỉnh Long An). Năm lên 4 tuổi, ông theo cha mẹ đến Bạc Liêu và sống trọn đời ở đây. Ông mất năm 1976 tại Thị xã Bạc Liêu là được an táng cạnh nhà.
Cha của ông là ông Cao Văn Giỏi (1860-1938) thường được gọi là Chín Giỏi, có thời gian là nghệ nhân thổi kèn, đánh trống nhạc lễ, sau làm thầy tuồng cho gánh hát bội, cũng là 01 nhạc sĩ nghiệp dư. Mẹ là bà Võ Thị Tài (1865-1958).
Ông Chín Giỏi có 06 người con gồm Cao Hiền Đệ, Cao Văn Mẫn, Cao Thị Chương, Cao Thị Mỹ, Cao Văn Lầu và Cao Văn Mãng. Ông Cao Văn Lầu là con thứ 5 trong nhà nên mọi người gọi ông là Ông Sáu Lầu.
Cao Văn Lầu theo cha mẹ về Bạc Liêu và định cư tại Rạch ông bổn (nay là phường 2, thành phố Bạc Liêu). Năm 1901, ông tu học ở Chùa Vĩnh Phước An, sau đó học chữ quốc ngữ. Năm 1908, ông học đàn do thầy Nhạc Khị dạy và là một học trò giỏi của thầy. Năm 1915, ông cưới bà Trần Thị Tấn, một người con gái ngoan hiền ở Điền Tư Ô. Vợ chồng chung sống với nhau được 03 năm nhưng không có con nối dõi, bị ràng buộc bởi tư tưởng phong kiến “Tam niên vô tử bất thành thê” nên ông phải chia tay với vợ. Chính từ niềm thương nhớ khi chia tay với người vợ hiền thục đã thôi thúc ông viết nên bản nhạc lòng mà khi ra đời nó đã trở thành một tuyệt tác bất hủ, đó là bản “Dạ cổ hoài lang”.
Sau một thời gian mòn mỏi đợi chờ, cuối cùng, vợ chồng ông cũng được trùng phùng, tình cảm nồng ấm và bà đã lần lượt hạ sinh cho ông 7 người con, gồm 5 trai và 02 gái là: Cao Văn Hùng (Cao Kiến Thiết), Cao Thị Phấn, Cao Văn Hoài, Cao Văn Cường (Cao Phương Sở), Cao Văn Bỉnh, Cao Thị Nga và Cao Văn Đàng.
Gia đình ông sớm giác ngộ cách mạng, 04 người con trai của ông đều tham gia bộ đội. Riêng Cao Kiến Thiết từng là cán bộ cao cấp của Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ.
Năm 1947, Nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã thực hiện thành công sứ mạng giải thoát 06 cán bộ ra khỏi nhà tù thực dân Pháp.
Nhạc sĩ Cao Văn Lầu được giới nghệ sĩ và khán giả Sài Gòn vô cùng hâm mộ. Vào năm 1963 và 1973 tại Rạp hát Quốc Thanh (Sài Gòn), các nghệ sĩ đã tổ chức biểu diển nghệ thuật nhằm tạo sự thân tình giữa nhạc sĩ Cao Văn Lầu với đông đảo khán giả hâm mộ ông.
Nhạc sĩ Cao Văn Lầu qua đời ở tuổi 86, các nghệ sĩ cải lương mỗi khi có dịp đến Bạc Liêu đều đến Khu lưu niệm Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu tọa lạc tại phường 2, thành phố Bạc Liêu để thắp nén hương tưởng niệm, tri ân công lao của ông.
Tố Phương
Nguồn: https://tpbl.baclieu.gov.vn/vi/-/tieu-su-co-nhac-si-cao-van-lau-cha-de-cua-ban-da-co-hoai-lang-1006