ĐÊM KHUYA TRÔNG CHỒNG
Soạn giả Viễn Châu
Ngâm:
Chăn gối lẻ từng đêm sương lạnh buốt
Gió đông về hiu hắt tạt rèm thưa
Đất trời kia còn đổi tiết thay mùa
Nnhưng tình tôi vẫn vẹn niềm chung thủy.
Vọng cổ
Câu 1: Hỏi gió gió đưa hỏi sao sao rụng hỏi vầng trăng thì trăng khuya ngả bóng tự lâu… rồi.
Mờ mịt xa xăm tiếng vạc lẫn lưng trời.
Tôi thao thức ngồi bên song cửa, mắt lặng nhìn mây trắng ngập ngừng trôi. Dưới sương mờ thấp thoáng bóng người đi, tôi ngỡ rằng anh đã cất bước quay về. Vội nâng rèm nhìn ra cõi bao la, chỉ thấy ngoài xa lạnh lùng tơ liễu rủ....
Câu 2: Anh ơi trồng trầu thì phải khai mương, làm trai hai vợ sao anh thương không đồng. Anh để cho tôi làm thiếu phụ trông chồng. Mỗi khi con thức giấc não nùng tiếng khóc, tôi cũng nghẹn ngào với dòng lệ dầm chan. Đêm khuya rồi sao con không ngủ đi con, thôi để mẹ hát mẹ ru cho con ngủ. Ầu ơ chim quyên ăn trái nhãn lồng, Lia thia quen chậu sao vợ chồng anh chẳng quen hơi………….
Ngâm + Vô câu 4
Hò ơ chim xa cành còn thương cây nhớ cội, người xa người tội lắm người ơi
Thà rằng chẳng biết thì thôi, biết rồi mỗi đứa một nơi hỏi ai không … buồn.
Tôi đã tin anh nên thất vọng não nề
Trách ai đây lọc lừa phụ rẫy, hay tự trách mình số kiếp một tàn hoa. Ầu ơ con cá lý ngư sầu tư biếng lội, con chim trên cành sầu cội biếng bay. Sao hôm còn đợi sao mai, chồng mà xa vợ hỏi ai không buồn.
Câu 5: Mùa đông năm ấy ta còn yêu nhau thắm thiết, chuyện tình chung qua đôi gối giao đầu. Đông năm nay chỉ có một mình tôi với khúc biệt ly sầu. Mạch hoài cảm từng đêm đứt nối, ai thương mình mà ràn rụa dòng châu. Chẳng biết tôi còn chờ còn đợi đến bao lâu, hay là phải chờ nhau kiếp khác. Anh quên tôi nên đành tâm phụ bạc, tôi vì anh nên thức suốt canh tàn.
Câu 6: Khuya đêm nay cũng như bao đêm không ngủ. mắt lệ mờ trông mãi ánh đèn khuya.
Anh ơi anh để cho mẹ con tôi sống cảnh bơ vơ, như con én lạc ven trời góc biển.
Tôi mong gặp anh để nói lên lần sau cuối. là đã hết thương hết nhớ anh rồi (xề)
Nhưng có phải chăng tôi đã tự dối lòng tôi. vì mỗi khi con nó khóc tôi lại hát rằng.
Ầu ơ dầu cho sông cạn đá mòn
Còn non còn nước dạ còn thương anh.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: