TẾT
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối
Mười mấy năm bên vòng tay của mẹ
Là bấy nhiêu lần đón tết yêu thương
Để xuân này khi làm kẻ tha phương
Con mới hiểu tết là quê hương xứ sở.
Lý Con Sáo
Nhớ khi xưa tết quê nhà yêu thương
Đêm giao thừa bước sang
Âu yếm con mẹ khẽ nói nhẹ nhàng
Tết quê hương đang lan tỏa ngập tràn
Cánh mai vàng muôn sắc hương ngát thơm
Như trái tim luôn thắm tươi mùa xuân
Dù quê nghèo nhưng mãi yêu nhé con
Có đang chốn nao cũng nhớ quay về thăm.
Vọng Cổ
Đêm ba mươi chuyến xe cuối cùng vừa rời khỏi bến. Bỏ lại chơ vơ một người xa xứ nặng nỗi nhớ mong giây phút... giao... thừa.
Câu 1. Lạc bước cô đơn nơi đất khách quê người.
Thèm chuyến xe chở về thời thơ ấu,
Bên vòng tay mẹ hiền chiều chuộng nâng niu.
Tết quê nghèo có vạn tình thương,
Hạnh phúc an vui đầm ấm gia đình.
Chắc đôi mắt mờ của mẹ quầng thâm,
Khi ngóng đợi con về mỏi mòn chẳng thấy.
Câu 2. Xưa ngây thơ con thường hay hỏi mẹ, phải tết là được vui áo mới lì xì.
Nhưng bởi ham chơi nên không đợi mẹ trả lời.
Để ngần ấy năm mười mấy lần đón tết,
Con cảm thấy bình thường xuân cứ đến rồi đi.
Nay bỗng nhớ cồn cào mùi than củi mắt cay,
Khi cùng mẹ canh nồi bánh tét.
Thèm lắm giấc ngủ say trong lòng của mẹ,
Giữa giây phút giao thừa êm ả lời ru.
Ngâm Thơ
Tiếng kèn inh ỏi giữa trời khuya
Ngỡ như lời trách… lệ đầm đìa
Đèn đêm tỏa sáng hoài không ngủ
Như mắt mẹ hiền thức canh thâu.
Lý Ba Tri
Năm ấy - tết đến… không quên
Mẹ đợi con về đón xuân nấu bánh
Đêm đó cũng khói cay cay
Thêm nhớ mẹ hiền đang ngóng con thơ
Đôi mắt dõi trông nơi xa
Đợi mỏi mòn ngấn lệ trào tuôn.
Vọng Cổ
Xưa đứa trẻ hồn nhiên ngỡ tết vui chơi được khoe nhiều áo mới. Chứ đâu nghĩ suy vì con mà mẹ canh cánh nỗi lo xuôi ngược bên gánh hàng rong cho con được… vui… cười.
Câu 5. Mặc đẹp ăn ngon hãnh diện với mọi người.
Rồi khi lớn khôn đôi chút,
Con thỏa thích bên bạn bè quên mẹ ngóng trông.
Để xuân về mẹ tựa cửa âu lo,
Ngồi khắc khoải đếm từng thời gian trôi chậm.
Con mỗi ngày được thêm khôn lớn,
Là mẹ còm cõi héo hon bởi gánh nặng cuộc đời.
Đoản Khúc Lam Giang (08 câu đầu)
Ngồi nhìn về quê hương
Bao nhớ thương trong lòng con chứa chan
Đâu đây tiếng nói mẹ hiền
Đêm khuya gió lạnh phương trời ấm áp
Lòng càng buồn tủi thân
Mong nhớ quê, nhớ quê nhà dấu yêu
Đêm giao thừa hỏi ai
Câu hỏi xưa ai trả lời... ai trả lời mẹ ơi!
Về Vọng Cổ
Câu 6. Con vội hỏi: tết là gì hả mẹ, có phải quê hương ai cũng muốn quay về?.
Đêm nay buồn nhớ não nề
Đớn đau quay quắt tư bề bủa vây
Mẹ hiền có biết có hay
Quê người xứ lạ... con loay hoay nỗi niềm./.
Long Xuyên, ngày 15 tháng 02 năm 2015.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---