BA GIỜ KHUYA
Soạn giả Viễn Châu
LỐI:
Thuyền ngư phủ đèn khuya soi bóng nước
Tiếng thời gian nhẹ lướt giữa trời mơ
Năm đêm rồi viết một lá thơ
Gởi theo nỗi mong chờ người viễn xứ.
VỌNG CỔ:
Câu 1:
Đồng hồ nhà ai đã điểm lên ba giờ ngắn ngủi mà tôi viết chưa xong một lá thơ… tình. (-)(-) Tôi định sáng hôm sau sẽ gởi đến cho mình. (+) Nơi xóm nghèo có con sông nhỏ, giữa hai hàng trúc mọc xinh xinh. (SL) Nơi ấy có một mái lều nắng rọi sương chan, và một người vợ quê với duyên kiếp bẽ bàng. Bởi đã có chồng mà trong tám năm qua không trở về xóm cũ./-
Câu 2:
Đêm nào anh cũng lấy giấy viết ra ngồi bên song cửa, bên ánh đèn khuya soi rọi giữa đêm trường. (-)(-) Anh biết viết gì đây, khi một đời trai đã lỡ độ đường. (+) Trước anh thăm cha già mẹ yếu, hai mái đầu tóc đã điểm sương. (SL) Sau thăm em một người vợ trẻ. Em ơi từ ngày vâng lệnh mẹ cha cùng anh dầy duyên can lệ. Em có phút giây nào nguôi được sầu thương./-
Câu 3:
Em ơi mái đình năm trước có còn chăng? Cây đa già có còn soi bóng in làn nước bạc? Ngày tiễn anh đi, em còn là một thôn nữ tuổi vừa đôi chín. Hai má ửng hồng như một đóa phù dung. Giờ đây có lẽ đã thành ra một thiếu phụ tay bùn chân lấm, suốt một thời gian vò võ nhớ thương chồng muôn vạn dặm nắng mưa. (SL)
Chồng đi lưu lạc phương tơ,
Ham vui nỡ để vợ nhà đợi trông.
Chiều chiều ra đứng bờ sông,
Nhìn theo lá rụng nhớ mong một người./-
LỐI:
Sương đêm mờ nẻo vắng
Trăng khuya rụng dưới cầu
Mây trôi chầm chậm về đâu
Cho tôi gởi mối tơ sầu vấn vương.
VỌNG CỔ:
Câu 4:
Nhớ mái chùa xưa nhớ con sông mơ màng nước chảy, tiếng hò ai văng vẳng dưới trăng… rằm. (-)(-) Nhớ mảnh vườn xưa với bao kỷ niệm êm đềm. (+) Anh gởi về theo tờ giấy mỏng, với nỗi niềm cách biệt nhớ nhung. (SL) Anh chưa thỏa chí làm trai, chưa làm nên sự nghiệp, anh không can đảm trở về quê với một thân hình xác xơ tiều tụy, sợ buồn đau cho những kẻ mong chờ./-
Câu 5:
Trăng đêm nay như gieo một nỗi buồn khó tả, ba giờ khuya điểm đã lâu rồi. (-)(-) Mỗi tiếng ngân vang như lòng tôi thổn thức bồi hồi. (+) Mẹ ơi tuổi già sức yếu, mẹ chỉ sống mỏi mòn bên cạnh một nàng dâu. (SL) Nước mắt chan cơm đã bao lần mẹ nghẹn ngào buông đũa. Mỗi khi nghe tiếng hò não nuột, giữa hoàng hôn phủ trắng thôn buồn./-
Hò... ơi…
Sách sử xưa con không để dạ:
"Phụ mẫu tại đường bất khả viễn du"
Con tôi lưu lạc phương nào
Ngày đêm lòng mẹ.... hò ơi... ngày đêm lòng mẹ rạt rào nhớ thương.
Câu 6:
Mẹ ơi con chấm dứt lá thơ bằng mấy dòng bi lệ nhỏ, chan hòa trên nét chữ run run. Em ơi giấy trắng mực đen anh không thể gởi chết cho em những dòng tâm sự, để gởi cho em tận chốn quê nhà. (SL) Đêm đêm cứ ba giờ khuya tôi ra ngồi viết thơ bên song cửa.
Lá thơ viết mấy đêm rồi,
Biết ai về xứ cậy người trao thơ./.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: