MƯA BUỒN BẾN ĐỢI
Soạn giả Trọng Nguyễn
LỐI
Anh chị ơi!
Nếu có đi đó, đi đây mà gặp chồng tôi
Hãy nói giùm cho tôi một tiếng
Tôi thì không sợ lỡ nợ, lỡ duyên
Chỉ sợ con bịnh, con đau, rách rưới, đói nghèo…
Sẽ cướp đi mạng sống con…
CHIÊU QUÂN
… mình
Chữ tơ tình dù không vẹn
Tôi không buồn cũng không giận
Ơi! Cuộ đời nhiều lận đận
Bởi bến đã chọn lầm thuyền
Chỉ xót cho đời con
Như cánh chim non
Cứ gọi cha ơi!
Trông ngóng mỏi mòn.
VỌNG CỔ
Nhớ hồi còn bé. Những buổi trưa hè trên chiếc võng đong đưa mẹ ru tôi ngủ.
Ầu ơ… bướm vàng đậu nhánh mù u
Lầy chồng chi sớm tiếng ru thêm… buồn.
CÂU 1
Ơi nước mắt đã thành giọt mưa nguồn. Nếu biết có ngày này em khóc, thì yêu làm gì để gánh một niềm đau!
Dắt con đi đến cuộc đời
Vẫn không đi hết những lời mẹ ru.
Mắt biếc, môi hồng trong tuổi mộng mơ, bước gấp vào đời vấp tơ tình cám dỗ.
CÂU 2
Xưa anh bảo:
Anh về mua lụa bọc trời
Mua xuồng chở núi xây đồi ái ân.
Đồi tình yêu mưa soi nắng đốt, áo lụa tả tơi tình lạt hương tàn. Tỉnh giấc mơ tiên cay đắng phũ phàng. Chiếc vai nhỏ gánh núi chồng, núi vợ, sức lực đâu còn mà làm vợ làm cha. Người thợ xây bỏ xuồng, bỏ núi, bỏ lụa bọc trời chạy trốn vợ con. Về đi anh dù lỡ duyên, lỡ nợ, đừng để lỡ thâm tình cho con trẻ khóc đòi cha.
LỜI RU
Ầu ơ… Ai ơi làm ít đẻ nhiều
Nhà xiêu vách đổ, tình yêu không còn.
LÝ GIAO DUYÊN
Trời ơi! Câu hát năm xưa – Làm lòng ta đau nhức
Rơi rụng một mảnh đời – Có gọi đất kêu trời
Đâu cứu được đời tôi – Giữa tháng ngày chơi vơi
Ơi! Người hỡi, người ơi!
Mẹ tôi đâu văng vẳng tiếng ru hời
Con lũ con đàn phải sống sao đây
Ơi! Chiếc vai gầy đâu gánh nổi đắng cay.
VỌNG CỔ
Nếu nói lỗi… thì lỗi của người làm cha làm mẹ, chớ con trẻ có lỗi gì đâu để đói nghèo con chịu. Dồn đắng cay khổ sầu cho em gánh giữa đường trơn, dốc đứng run rẩy chiếc vai… gầy.
CÂU 5
Cây bàng trước sân mùa lá đỏ rơi đầy. chiếc lá cuối cùng cố níu cành tìm sự sống, đau đớn lìa cành nuối tiếc giấc mơ xa. Anh vừa làm chồng, còn phải làm cha, lại giũ sạch nợ như thay khăn đổi áo. Ước mơ xưa giờ chỉ còn là mộng ảo, anh có nghe gió khóc gọi mưa chiều.
CÂU 6
Gia đình của người ta… có đôi có bạn, chỉ một hai con nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Còn con mình với củ khoai lang, cũng giành giựt đòi chia năm xẻ bảy. Nhìn đám con đông em hãi hùng, run rẩy, bịnh hoạn đói nghèo xô đẩy chúng nó về đâu.
Mộng mơ từ mối tình đầu
Bây giờ ôm lấy khổ sầu mình em.
Hỡi cuộc đời! Hỡi các chị, các em! Hãy soi vào tôi mà đong biển ái… mà xây non tình.
Đời tôi như đám lục bình
Nổi trôi nào biết phận mình ra sao
Về đi anh dù lỡ duyên, lỡ nợ, đừng để lỡ thâm tình cho con khóc đòi cha./.
Nghệ sỹ, soạn giả Trọng Nguyễn tên thật là Nguyễn Phú Xuân, sinh năm 1938, tại xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, trong gia đình nông dân, yêu nước, yêu quý ca nhạc tài tử, cải lương. Trọng Nguyễn còn có các bút danh khác như: Dương Nghĩa Trần, Khắc Tâm, Bùi Công Sắc.[1]
Từ thuở còn đi học trường trung học Thái Văn Lung, Trọng Nguyễn đã được học nhạc với nhạc sỹ Trương Bỉnh Tòng và Hoàng Mãnh.
Năm 1954, khi mới vừa 16 tuổi Trọng Nguyễn đã thoát ly gia đình, đi theo cách mạng, được tổ chức phân công, lần lược qua các nhiệm vụ, như: tổ trưởng tổ giao liên, phân đoàn trưởng thanh niên lao động, tổ trưởng trong lực lượng vũ trang tỉnh Cà Mau.
Năm 1961, Trọng Nguyễn được về làm Bí thư Đoàn của Đoàn Văn Công tỉnh Cà Mau, cũng là thời gian thuận lợi nhất để Trọng Nguyễn phát triển tài năng nghệ thuật của mình. Năm 1972, Trọng Nguyễn được tín nhiệm làm Bí thư chi bộ, chính tri viên, Đoàn Văn Công Khu Tây Nam Bộ. Từ đó, Trọng Nguyễn lần lược giữ các nhiệm vụ như: Chủ tịch Hội VH, NT tỉnh Bạc Liêu, Ủy viên Ban Chấp Hành Hội Sân Khấu Việt Nam, Liên Chi Hội trưởng Chi Hội Sân Khấu Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long.
Từ năm 2002, Trọng Nguyễn bắt đầu hưu trí.
Cuộc đời nghệ thuật của Trọng Nguyễn được bắt đầu từ sáng tác thơ, từ những năm 1950. Nhưng công chúng biết nhiều đến nghệ danh Trọng Nguyễn qua những bài ca Vọng cổ, kịch bản cải lương, và một số bản tân nhạc. Trong đó, có 19 kịch bản cải lương, hơn 200 bài ca Vọng cổ. Nổi bật có các tác phẩm như: Giọt Máu Oan Cừu, Bóng biển, Rừng Thần; Ơn Đảng, Bạc Liêu Ngày Ấy, Chợ Mới, Giọt Sữa Cuối Cùng.v.v. Hầu hết các tác phẩm của Trọng Nguyễn đều được xuất bản, phổ biến trên các phương tiện truyền thông.
Trọng Nguyễn xứng đáng được tôn vinh là một trong những cánh chim đầu đàn của tỉnh Bạc Liêu, trong hơn 40 năm qua, với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật ca nhạc tài tử, cải lương tại địa phương, cũng như Miền Tây Nam Bộ. /.