ĐÔI MẮT
Soạn giả Trọng Nguyễn
LỐI
Nữ: Nông trường U Minh đêm nằm nghe lúa nở
Nghe cá thở đều như tiếng cơm sôi
Hương lúa, hương tràm quặn gió đâu đây
Hồn xuôi ngược kéo nhau về dĩ vãng
LÝ SÂM THƯƠNG
Nam: Đôi mắt em anh yêu
Ơi! Ngày xưa anh mộng mơ tha thiết.
Nữ: Hai chúng ta như nhau
Muôn lời yêu muốn trao
Rồi tháng ngày thương đau
Giặc Vào đây phá tan mộng lành
Còn chi đâu hỡi anh
Người anh yêu chết trong căm hờn.
VỌNG CỔ
Nam: Rừng trăn trở gọi nhau khi gió rì rào mang về hơi lạnh. Đánh thức lòng anh bao nỗi niềm cũng trăn trở cứ gọi em về trong đêm nhớ nghe nặng tâm… hồn.
CÂU 1
Năm xưa, anh đến nhà em sau trận công đồn. Buổi sáng vô tình nhìn em chải tóc, gương cũng vô tình nên hai đứa soi chung.
Nữ: Em ngượng ngùng đôi mắt cười bẽn lẽn.
Nam: Anh cũng ngượng ngùng tim đập mạnh xôn xao.
Nữ: Mình chưa nói gì nhau.
Nam: Mà anh lại nao nao khi có lệnh hành quân trở về xóm nhỏ.
CÂU 2
Nữ: Buổi tiễn anh em ngập ngừng nép sau cửa sổ.
Nam: Anh ngơ ngác tìm bắt gặp đôi mắt người thương. Ơi! Khung cửa sổ và đôi mắt người con gái đối với anh mang vẻ đẹp diệu kỳ.
Nữ: Em cứ bâng khuâng em tự hỏi em hoài. Tại sao lòng mình vương vấn, hay đã yêu rồi anh giải phóng quân?
Nam: Đọc thư em thương nét chữ run run, anh sung sướng thêm ngàn ý đẹp.
Nữ: Em cũng định … nhưng lòng còn e ngại, nên viết lập lờ chấm, phết chẳng tròn câu.
LỐI
Nam: Ánh đèn bên sông anh phập phồng chờ đợi.
Sao muốn nhìn, như nhìn mãi mắt em
Đèn liên lạc đêm đêm thao thức
Đứng canh đường cho bộ đội hành quân.
Đèn báo lịnh – lịnh lên đường hỏa tốc
Kìa! Mắt em cười mang tiếng nói tình yêu.
VỌNG CỔ
Nữ: Anh ơi! Có mối tình nào không nhớ thương da diết, không gọi tên nhau khi mỏi mắt mong… chờ.
CÂU 5
Đừng vội trách em sao lòng dạ hững hờ. Giặc Mỹ đã giết em bên khung cửa sổ, chỗ hai đứa nhìn lần cuối để chia tay. Chúng đã cướp em còn ai trông, ai đợi, nắn nót từng hàng, ai viết thư nữa cho anh.
Nam: Trông thư em mỏi mòn rồi hờn giận, cứ trách là em đã quên mất anh rồi.
CÂU 6
Ngày độc lập anh về - má khóc, thư của anh má giữ giùm em.
Nữ: Một chồng thư hay một hòn núi đợi, còn phiền em không hãy nói đi anh.
Nam: Hờn giận ngày xưa thành nhớ thương buồn tủi, dằn xé trong lòng những kỷ niệm xót xa. Đã vội trách em, anh… xin lỗi, để anh…
Nữ: Không! Em chẳng muốn vậy đâu, miễn sao anh hiểu lòng người con gái khi đã yêu ai thì yêu đến trọn đời.
Nam: Nông trường Y Minh đêm nằm nghe lúa nở
Nhớ lời em, anh nhớ mãi em ơi.
Kẻng báo thức, đèn ai còn nhấp nháy.
Như gọi anh về trong đáy mắt người thương./.
Nghệ sỹ, soạn giả Trọng Nguyễn tên thật là Nguyễn Phú Xuân, sinh năm 1938, tại xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, trong gia đình nông dân, yêu nước, yêu quý ca nhạc tài tử, cải lương. Trọng Nguyễn còn có các bút danh khác như: Dương Nghĩa Trần, Khắc Tâm, Bùi Công Sắc.[1]
Từ thuở còn đi học trường trung học Thái Văn Lung, Trọng Nguyễn đã được học nhạc với nhạc sỹ Trương Bỉnh Tòng và Hoàng Mãnh.
Năm 1954, khi mới vừa 16 tuổi Trọng Nguyễn đã thoát ly gia đình, đi theo cách mạng, được tổ chức phân công, lần lược qua các nhiệm vụ, như: tổ trưởng tổ giao liên, phân đoàn trưởng thanh niên lao động, tổ trưởng trong lực lượng vũ trang tỉnh Cà Mau.
Năm 1961, Trọng Nguyễn được về làm Bí thư Đoàn của Đoàn Văn Công tỉnh Cà Mau, cũng là thời gian thuận lợi nhất để Trọng Nguyễn phát triển tài năng nghệ thuật của mình. Năm 1972, Trọng Nguyễn được tín nhiệm làm Bí thư chi bộ, chính tri viên, Đoàn Văn Công Khu Tây Nam Bộ. Từ đó, Trọng Nguyễn lần lược giữ các nhiệm vụ như: Chủ tịch Hội VH, NT tỉnh Bạc Liêu, Ủy viên Ban Chấp Hành Hội Sân Khấu Việt Nam, Liên Chi Hội trưởng Chi Hội Sân Khấu Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long.
Từ năm 2002, Trọng Nguyễn bắt đầu hưu trí.
Cuộc đời nghệ thuật của Trọng Nguyễn được bắt đầu từ sáng tác thơ, từ những năm 1950. Nhưng công chúng biết nhiều đến nghệ danh Trọng Nguyễn qua những bài ca Vọng cổ, kịch bản cải lương, và một số bản tân nhạc. Trong đó, có 19 kịch bản cải lương, hơn 200 bài ca Vọng cổ. Nổi bật có các tác phẩm như: Giọt Máu Oan Cừu, Bóng biển, Rừng Thần; Ơn Đảng, Bạc Liêu Ngày Ấy, Chợ Mới, Giọt Sữa Cuối Cùng.v.v. Hầu hết các tác phẩm của Trọng Nguyễn đều được xuất bản, phổ biến trên các phương tiện truyền thông.
Trọng Nguyễn xứng đáng được tôn vinh là một trong những cánh chim đầu đàn của tỉnh Bạc Liêu, trong hơn 40 năm qua, với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật ca nhạc tài tử, cải lương tại địa phương, cũng như Miền Tây Nam Bộ. /.