BÔNG HUỆ
Soạn giả Trọng Nguyễn
LỐI
Nam: Vào đất Long Tuyền
Em mang cho anh một chùm nhãn chín
Giữa khói mù của trận địa chưa tan
Nữ: Mấy má gửi cho, nhãn đầu mùa ngọt lắm
Ăn đi anh, để nhớ mãi đất Long Tuyền.
VỌNG CỔ
Nam: Nhớ đất Long Tuyền như nhớ tên người con gái, có mái tóc thơm thơm mùi nhãn chín, tuy chưa ăn mà nghe mát dịu trong… lòng.
CÂU 1
Nữ: Mình yêu nhau, ngày nổ súng hợp đồng. Tiêu diệt bọn “trâu điên” ở đồn Ba Láng, giữ chốt kiên cường trên lộ Vòng Cung.
Nam: Em bị thương, miểng bom xuyên má trái, má lúm đồng tiền cho mặt thêm duyên. Trên chốt thép em thêu cành bông huệ. Trên áo anh ôm tròn tên hai đứa.
CÂU 2
Nữ: Đêm chia tay chúng mình vào chiến dịch, ngửa mặt trời cao em chỉ sợ “vợ” sao “chồng”.
Nam: Chỗ đó, kìa em: Sao lớn, sao nhỏ nằm gần. Trận đánh này thua em nửa bước, anh xin nhường sao lớn là “sao em”.
Nữ: So với đồng đội em không nhường bước, còn với anh thì…
Nam: Thì sao em?
Nữ: … Thì em muốn “huề” thôi, để anh thôi chê cô gái hay giận, hay hờn mà đánh giặc chẳng kém gì nam.
CÂU 3
Nam: Em ơi! Nhãn Long Tuyền mấy mùa rồi buồn đơn trái mộng, hàng điệp Xóm Chài chắc nghẹn trỗ màu bông. Được tin giặc bắt anh…
Nữ: Em ghì môi không dám khóc, bởi em còn bận chuyến hành quân. Đêm nay những đường lửa cầu vòng, mang nước mắt em đi làm tiếng nổ!
Nam: Bắn nữa đi em, cho đất trời liền Côn Đảo, để anh về cùng cành Huệ vẹn nguyên. Gặp nhau mình cười tuôn nước mắt, bão tố cuồng điên không làm dập cánh hoa đời.
LỐI
Nữ: Tám năm rồi, anh ơi! Nhiều thương nhớ…
Nhớ thương anh em chỉ ngó sao trời
Nam: Tám năm, sao vẫn chung đôi
Còn mình mỗi đứa mỗi nơi cũng buồn.
VỌNG CỔ
Nữ: Côn Đảo xa xôi ngoài muôn trùng sóng bạc, chắc đêm đêm anh không được ngắm trăng sao mà chỉ nghe gió biển, mưa… rừng.
CÂU 5
Bốn bức tường vôi tẻ ngắt lạnh lùng. Anh có nghe pháo ta gầm đêm vào chiến dịch, trận đánh cuối cùng em gánh cả phần anh!
Nam: Côn đảo em ơi! Chiến trường đẫm máu, gươm súng kẻ thù không thắng nổi trái tim. Anh đang sống qua phút giây oanh liệt, giữ cho em từng hơi thở thơm nồng.
CÂU 6
Nam: Em ơi! Anh đã đi xa trước khi trời sáng, biển còn ngủ vùi lã tả cánh hải âu. Phút cuối đời anh còn nâng niu cành huệ, đặt giữa tim mình nghe điệp khúc thủy chung.
Nữ: Mấy mùa rồi em đợi, em trông. Bây giờ thôi hết chờ mong anh về.
Nam: Anh sẽ về Long Tuyền vào mùa nhãn chín, để thăm em thăm đồng ruộng quê nhà. Đừng buồn nhé em, chuyến đi xa lòng anh thanh thản, nghĩa nước vẹn rồi cũng trọn tình em.
Nữ: Anh lên trời thành những vì sao
Đêm đêm lại mọc chiếu vào mắt em!
Nghệ sỹ, soạn giả Trọng Nguyễn tên thật là Nguyễn Phú Xuân, sinh năm 1938, tại xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, trong gia đình nông dân, yêu nước, yêu quý ca nhạc tài tử, cải lương. Trọng Nguyễn còn có các bút danh khác như: Dương Nghĩa Trần, Khắc Tâm, Bùi Công Sắc.[1]
Từ thuở còn đi học trường trung học Thái Văn Lung, Trọng Nguyễn đã được học nhạc với nhạc sỹ Trương Bỉnh Tòng và Hoàng Mãnh.
Năm 1954, khi mới vừa 16 tuổi Trọng Nguyễn đã thoát ly gia đình, đi theo cách mạng, được tổ chức phân công, lần lược qua các nhiệm vụ, như: tổ trưởng tổ giao liên, phân đoàn trưởng thanh niên lao động, tổ trưởng trong lực lượng vũ trang tỉnh Cà Mau.
Năm 1961, Trọng Nguyễn được về làm Bí thư Đoàn của Đoàn Văn Công tỉnh Cà Mau, cũng là thời gian thuận lợi nhất để Trọng Nguyễn phát triển tài năng nghệ thuật của mình. Năm 1972, Trọng Nguyễn được tín nhiệm làm Bí thư chi bộ, chính tri viên, Đoàn Văn Công Khu Tây Nam Bộ. Từ đó, Trọng Nguyễn lần lược giữ các nhiệm vụ như: Chủ tịch Hội VH, NT tỉnh Bạc Liêu, Ủy viên Ban Chấp Hành Hội Sân Khấu Việt Nam, Liên Chi Hội trưởng Chi Hội Sân Khấu Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long.
Từ năm 2002, Trọng Nguyễn bắt đầu hưu trí.
Cuộc đời nghệ thuật của Trọng Nguyễn được bắt đầu từ sáng tác thơ, từ những năm 1950. Nhưng công chúng biết nhiều đến nghệ danh Trọng Nguyễn qua những bài ca Vọng cổ, kịch bản cải lương, và một số bản tân nhạc. Trong đó, có 19 kịch bản cải lương, hơn 200 bài ca Vọng cổ. Nổi bật có các tác phẩm như: Giọt Máu Oan Cừu, Bóng biển, Rừng Thần; Ơn Đảng, Bạc Liêu Ngày Ấy, Chợ Mới, Giọt Sữa Cuối Cùng.v.v. Hầu hết các tác phẩm của Trọng Nguyễn đều được xuất bản, phổ biến trên các phương tiện truyền thông.
Trọng Nguyễn xứng đáng được tôn vinh là một trong những cánh chim đầu đàn của tỉnh Bạc Liêu, trong hơn 40 năm qua, với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật ca nhạc tài tử, cải lương tại địa phương, cũng như Miền Tây Nam Bộ. /.