ÁO CƯỚI ANH TRAO
Sáng tác: SG Trọng Nguyễn
LÝ CHIỀU CHIỀU
Nam: Tình ơi là tình
Dây oan trói đau tim mình
Nghe xót xa làm sao
Ai cắt buồng tim
Làm tax a nàng (ơi người là người)
Theo gió hồn ta – về nơi xa vời…
Nữ: (nói) Anh Xuân, anh hát bài gì vậy?
Nam: Bài hát trong tuồng cải lương “Bình rượu tình”
Nữ: Bài hát gì mà nghe buồn thấy mồ vậy.
Nam: Thì anh thích buồn. phải chi có bình rượu tình hai đứa mình uống để muôn đời đừng xa nhau.
Nữ: Vậy chứ mình có xa nhau đâu. Mỗi tháng gặp nhau hai ba lần còn gì Nữa. Mình chưa thành hôn mà! Bộ anh nói em không nhớ anh sao?
LỐI
Nam: Cái nhớ của em, em cất ở đâu anh không thấy.
Còn cái nhớ của anh thì phơi hết ruột gan
Mỗi lần đến thăm em, anh cũng ngỡ ngàng
Sợ mấy chú rầy, em buồn, tội nghiệp.
Nữ: Anh sợ chú Hai dữ lắm phải hôn?
Nam: Sợ cả chú Tư, chú Năm Nữa.
VỌNG CỔ
Không hiểu anh làm sao á. Mà, mà… cứ mỗi lần đi đến tấm bảng có chữ đề: “Công ty Nông sản Xuất khẩu” là anh cứ phập phồng lo sợ. Lo là lo chẳng gặp em, còn sợ là sợ các chú hỏi tới hỏi lui anh không biết đường đối đáp rồi cà lăm, cà lặp để bè bạn chê…
1/. …cười.
Nữ: Anh nói vậy chớ… có ai đâu để ý chê cười. Các chú thì hiền lành, vui vẻ, lịch sự với mọi người và tâm lý chuyện lứa đôi.
Nam: Hồi nào tới giờ…anh chỉ nghĩ vậy thôi, rồi trong bụng cứ lo lo thấy ai cũng dòm cũng ngó. Chớ hồi mới xuống đây chọn đất Cái Ngang, đổ móng xây nhà mấy chú khen anh giỏi dắn.
Nữ: Vậy mà bây giờ
Nam: Ờ, không biết làm sao mà bây giờ anh kỳ ghê vậy đó, chắc… tại anh yêu em, nên…
Nữ: 2/. Anh yêu em thì ngày càng gắn bó với mọi người và xưởng máy của em. Những người ở đây đi lên từ hai bàn tay trắng, với muôn nỗi khó khăn thao thức suốt đêm dài.
Người thì không đông, đồng tiền ít ỏi, phải xoay sở lo toan từng phút từng ngày. Chưa đầy năm mà anh nhìn thấy đó, nhà máy ép dầu khói toả bay bay. Bến bãi nhà kho cơm dừa đầy ắp, công nhân rộn ràng thay trực đổi ca. Có ai rãnh đâu mà dòm, mà ngó, anh cứ ngại ngùng rồi buồn giận mình ên.
Nam: (nói) Anh… anh bậy ghê à nghen!
Nữ: Anh nghĩ như vậy mà không sợ mấy chú, mấy anh buồn mình sao?
Nam: Anh nghĩ trong bụng ai biết!
Nữ: Trời ơi! Kỹ sư của Nông trường dừa Minh Hải mà không biết trong ruột dừa ra làm sao, thì chọn thế nào để làm dừa giống.
Nam: Cái đó thì dễ ợt hà. Nè nghen, dừa dày cơm á, thì cái võ nó mỏng, còn dừa không bị bệnh hoạn bẩm sinh, thì trái của nó nâng đầu, lép bụng. Nhưng còn phải tìm hiểu thêm lai lịch của nó thuộc dòng họ nào.
LỐI
Nữ: Anh nói đúng rồi đó
Người trồng dừa phải chọn dừa để giống
Mấy chú nhìn người cũng đoán được tâm tư.
Nam: Vậy mấy chú… mấy chú…
Nữ: Ừ, thì mấy chú hiểu hết chuyện của chúng mình rồi.
Nam: Ơi, anh tệ thiệt mà…
LÝ TRĂNG SOI
Khi mình yêu nhau, yêu cứ yêu âm thầm
Bến bờ chơi vơi tháng năm thương buồn
Buồn như cánh chim lưng trời.
Nữ: Ơi! Tình yêu
Ngàn thương muôn nhớ trong giây phút chờ nhau
Tàn đêm mơ, đối bóng canh thâu.
Nam: Anh hiểu rồi đừng hờn giận em ơi.
VỌNG CỔ
Nữ: Nhớ thì nhớ, thương thì thương cũng rang nén lòng chớ đâu dám giận. Vì người ta nói người ta bận ươm dừa, đào mương xẻ liếp, trăm công ngàn việc bận rộn ở nông…
5/. … trường. Nên người ta mới coi hẹn lần, hẹn lựa là chuyện bình thường. Để cứ mỗi chiều tan ca em lóng ngóng nhìn ra đường tìm một bóng người quen. Nói với mấy chú một câu, người ta cũng hà tiện, để bây giờ mình lén lút gặp nhau.
Nam: Em ơi! Em hãy cười đi mà bỏ lỗi, anh đền cho em bằng cả cuộc đời.
6/. Em cứ trách anh hoài mà gọi người ta này, người ta nọ. Ờ, thà như vậy mà anh thấy vui hơn, gần hơn, yêu nhiều hơn Nữa, vì nỗi buồn em chỉ dành để cho anh.
Nữ: Ý, tiếng kiểng vào ca – đêm nay em bận trực.
Nam: Anh sẽ lên phòng Giám đốc gặp chú Hai, báo cáo chuyện mình cho mấy chí rõ, để chữ nhớ chữ thương không còn ai kiểm duyệt.
Nữ: Chuyện đó là của anh.
Nam: Trời đất!
Nữ: Còn em thì…
Nam: Còn em thì… thì sao?
Nữ: Em đã đợi lâu rồi.
Nam: Làm anh hết hồn hà! Ờ, mà nè, anh định tháng Giêng chúng mình làm lễ cưới.
Nữ: Em bảo là tuỳ anh mà… em đủ sức đợi, đợi mấy mùa dừa mới nhận áo cưới anh trao.
Nghệ sỹ, soạn giả Trọng Nguyễn tên thật là Nguyễn Phú Xuân, sinh năm 1938, tại xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, trong gia đình nông dân, yêu nước, yêu quý ca nhạc tài tử, cải lương. Trọng Nguyễn còn có các bút danh khác như: Dương Nghĩa Trần, Khắc Tâm, Bùi Công Sắc.[1]
Từ thuở còn đi học trường trung học Thái Văn Lung, Trọng Nguyễn đã được học nhạc với nhạc sỹ Trương Bỉnh Tòng và Hoàng Mãnh.
Năm 1954, khi mới vừa 16 tuổi Trọng Nguyễn đã thoát ly gia đình, đi theo cách mạng, được tổ chức phân công, lần lược qua các nhiệm vụ, như: tổ trưởng tổ giao liên, phân đoàn trưởng thanh niên lao động, tổ trưởng trong lực lượng vũ trang tỉnh Cà Mau.
Năm 1961, Trọng Nguyễn được về làm Bí thư Đoàn của Đoàn Văn Công tỉnh Cà Mau, cũng là thời gian thuận lợi nhất để Trọng Nguyễn phát triển tài năng nghệ thuật của mình. Năm 1972, Trọng Nguyễn được tín nhiệm làm Bí thư chi bộ, chính tri viên, Đoàn Văn Công Khu Tây Nam Bộ. Từ đó, Trọng Nguyễn lần lược giữ các nhiệm vụ như: Chủ tịch Hội VH, NT tỉnh Bạc Liêu, Ủy viên Ban Chấp Hành Hội Sân Khấu Việt Nam, Liên Chi Hội trưởng Chi Hội Sân Khấu Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long.
Từ năm 2002, Trọng Nguyễn bắt đầu hưu trí.
Cuộc đời nghệ thuật của Trọng Nguyễn được bắt đầu từ sáng tác thơ, từ những năm 1950. Nhưng công chúng biết nhiều đến nghệ danh Trọng Nguyễn qua những bài ca Vọng cổ, kịch bản cải lương, và một số bản tân nhạc. Trong đó, có 19 kịch bản cải lương, hơn 200 bài ca Vọng cổ. Nổi bật có các tác phẩm như: Giọt Máu Oan Cừu, Bóng biển, Rừng Thần; Ơn Đảng, Bạc Liêu Ngày Ấy, Chợ Mới, Giọt Sữa Cuối Cùng.v.v. Hầu hết các tác phẩm của Trọng Nguyễn đều được xuất bản, phổ biến trên các phương tiện truyền thông.
Trọng Nguyễn xứng đáng được tôn vinh là một trong những cánh chim đầu đàn của tỉnh Bạc Liêu, trong hơn 40 năm qua, với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật ca nhạc tài tử, cải lương tại địa phương, cũng như Miền Tây Nam Bộ. /.