ĐỒNG PHONG THẠNH
Soạn giả Trọng Nguyễn
LỐI
Đám lác nơi anh nằm
Chiếc xe tăng chồm lên
Anh nổ súng.
ĐẢO NGŨ CUNG
Bọn giặc hí hửng vỗ vào thành… xe
A lô… xe bộc thép của Hoa Kỳ
Nào hãy bắn… bắn nữa đi
Lựu đạn trong tay
Anh lao lên – Tiếng nổ xé trời
Chiếc xe bộc thép rùng mình
Giãy chết dưới chân anh.
VỌNG CỔ
Bầy xe tăng rú lên trút lửa vào anh điên cuồng, hung hãn. Anh như con chim vành khuyên chao mình trong mưa đạn rồi lẫn khuất giữa màu xanh cây lá của quê… nhà.
CÂU 1
Bọn chó điên như những bóng ma chấp chới giữa chiều tà. Đang ngơ ngác lôi chiếc quan tài bộc thép, chở xác chết của mấy thằng lính đội mũ xanh. Bọn giặc rút lui trả lại sự yên lành, tiếng sáo diều chiều nay thanh thót quá. Đồng đội ôm anh nước mắt nhạt nhòa, Phong Thạnh ơi! Ân tình sâu biết mấy.
CÂU 2
Các bạn ơi, để tôi về thăm mẹ, bà đang trông sau trận đánh ban chiều. Khóm trúc bên nhà pháo dập xơ xác, tiêu điều. Anh run lên tim mình như ngừng đập. Mẹ đâu rồi, nhà trống vắng trước sau.
Mẹ! Mẹ ơi… Mẹ đang ở đâu, con nôn nao muốn được quỳ bên mẹ, để dâng chiến công làm quà mừng thọ, từ dòng máu mẹ cho trên vùng đất hùng anh.
LỐI
Mặt trời chiều nay chờ ai mà quên ngủ
Cứ cắm cây sào chờ đợi phía chân mây
Mẹ anh đã về, mặt trời tìm giấc ngủ
Trăng đã lên đồng thức sáng cả đêm nay.
VỌNG CỔ
Mẹ ôm anh vào lòng nước mắt đầm vai áo. Lời mẹ thì thầm ngọt ngào như lời ru bên cánh võng, nghe yêu thương sâu lắng đến vô… cùng.
CÂU 5
Lòng mẹ vừa trải qua cơn mưa gió bão bùng. Trời lại xanh trong giữa tự hào và hạnh phúc, nước mắt cứ chảy hoài đẫm ướt vai con.
Mẹ đi tìm anh trên đồng Phong Thạnh, nghe du kích xã mình đang bị bao vây. Tiếng súng chưa tan mẹ cùng bà con làng xóm, đi tìm anh em mong nhận xác đứa con mình.
CÂU 6
Hơn ba mươi năm bài ca còn nằm trên đất, bài ca anh hùng cho hương đất bay xa. Gió tháng Giêng ru khẽ khúc dân ca, cho đêm Giá Rai mênh mông nỗi nhớ. Nhớ kháng chiến vượt bao gian khó, thương bao mảnh đời gắn bó những buồn vui. Ngồi bên anh tôi thấy cả mây trời, ngùn ngụt khói khi xe tăng bốc lửa. Ơi! Mẹ đã đi xa, đôi mắt còn bên khung cửa, đợi anh về sau mỗi bận hành quân. Hoàng Đông – tên anh – người du kích, vẫn liếp chuối bờ ao trên đồng ruộng ân tình.
Cuộc sống đời thường như bà con Phong Thạnh, nhưng trái tim anh hùng còn có lý lẽ riêng. Tôi từ giã anh khi mặt trời vừa chen lặn, trăng đã lên sau vườn, nghe ngan ngát hương cau./.
Nghệ sỹ, soạn giả Trọng Nguyễn tên thật là Nguyễn Phú Xuân, sinh năm 1938, tại xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, trong gia đình nông dân, yêu nước, yêu quý ca nhạc tài tử, cải lương. Trọng Nguyễn còn có các bút danh khác như: Dương Nghĩa Trần, Khắc Tâm, Bùi Công Sắc.[1]
Từ thuở còn đi học trường trung học Thái Văn Lung, Trọng Nguyễn đã được học nhạc với nhạc sỹ Trương Bỉnh Tòng và Hoàng Mãnh.
Năm 1954, khi mới vừa 16 tuổi Trọng Nguyễn đã thoát ly gia đình, đi theo cách mạng, được tổ chức phân công, lần lược qua các nhiệm vụ, như: tổ trưởng tổ giao liên, phân đoàn trưởng thanh niên lao động, tổ trưởng trong lực lượng vũ trang tỉnh Cà Mau.
Năm 1961, Trọng Nguyễn được về làm Bí thư Đoàn của Đoàn Văn Công tỉnh Cà Mau, cũng là thời gian thuận lợi nhất để Trọng Nguyễn phát triển tài năng nghệ thuật của mình. Năm 1972, Trọng Nguyễn được tín nhiệm làm Bí thư chi bộ, chính tri viên, Đoàn Văn Công Khu Tây Nam Bộ. Từ đó, Trọng Nguyễn lần lược giữ các nhiệm vụ như: Chủ tịch Hội VH, NT tỉnh Bạc Liêu, Ủy viên Ban Chấp Hành Hội Sân Khấu Việt Nam, Liên Chi Hội trưởng Chi Hội Sân Khấu Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long.
Từ năm 2002, Trọng Nguyễn bắt đầu hưu trí.
Cuộc đời nghệ thuật của Trọng Nguyễn được bắt đầu từ sáng tác thơ, từ những năm 1950. Nhưng công chúng biết nhiều đến nghệ danh Trọng Nguyễn qua những bài ca Vọng cổ, kịch bản cải lương, và một số bản tân nhạc. Trong đó, có 19 kịch bản cải lương, hơn 200 bài ca Vọng cổ. Nổi bật có các tác phẩm như: Giọt Máu Oan Cừu, Bóng biển, Rừng Thần; Ơn Đảng, Bạc Liêu Ngày Ấy, Chợ Mới, Giọt Sữa Cuối Cùng.v.v. Hầu hết các tác phẩm của Trọng Nguyễn đều được xuất bản, phổ biến trên các phương tiện truyền thông.
Trọng Nguyễn xứng đáng được tôn vinh là một trong những cánh chim đầu đàn của tỉnh Bạc Liêu, trong hơn 40 năm qua, với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật ca nhạc tài tử, cải lương tại địa phương, cũng như Miền Tây Nam Bộ. /.