Soạn giả: Viễn Châu
NHẠC:
Lênh đênh, lênh đênh thuyền trôi giữa dòng.
Hò xê, hò xang xê hò
Trăng soi, trăng soi vằng vặc đêm rằm.
Hò xê, hò xang hò xê
Ôi tiếng đàn khuya, trên bến Hán Dương.
Đàn ơi đàn nắn một cung thầm khóc thế nhân ơi cớ sao điên đảo.
Ôi tiếng đàn khuya, trên bến Hán Dương.
Hỏi trông chẳng thấy, tìm đâu bằng hữu biết tri âm khúc ca ưu sầu./-
Bá Nha: Kìa, quý hữu là ai mà thấu hiểu tâm sự của Bá Nha, vừa buông mấy đường tơ sầu nhân thế?
NAM XUÂN:
Tử Kỳ:
Tôi là kẻ sống giữa miền sơn dã, một đêm trăng đi ngang bờ sông lạnh bỗng chợt nghe kể lể mấy dây… tơ.
U hoài, trên dòng Hán Dương,
Nghe nức nở thê lương,
Trên nhịp buồn cung thương.
Bá Nha:
Nếu đó không tị hiềm câu nệ,
Ta sẽ kết làm đôi bạn tri âm.
Xin mời ai bước xuống khoang thuyền,
Rượu bồ đào tỉnh say./.
(Nói)
Tử Kỳ:
Dạ, đa tạ lòng huệ cố,
Chung Tử Kỳ này xin lĩnh ý đại nhân.
Bá Nha:
Thì đây, lễ sơ giao xin đón tiếp bạn vàng,
Dưới trăng sáng ta hãy cùng nâng chén./-
VỌNG CỔ: (Câu 4 - 6)
Tử Kỳ: Để đêm nay qua chén thù chén tạc, ôi ta sẽ thu gọn nhân gian vào trong đáy mắt giữa bến Hán Dương mờ mệt ánh... trăng… vàng.
(-)(-) Không có tình mỹ nhân mà chỉ có nghĩa kim bằng.
Nếu thuở xưa trên bến Tầm Dương có người thương nữ, nức nở u hoài ngâm khúc Hậu Đình Hoa. (SL) Tiếng tỳ bà như giọt mưa sa, khóc thân phận một đời người ca nữ, thì ngày nay ta cũng buồn cho thế sự bằng bầu rượu túi thơ với một cung đàn...
Ôi tiếng đàn vang vọng mặt sông, thơ với rượu thêm nồng men chí khí, kìa vầng trăng bạc nửa in đáy nước. Nửa soi đôi đầu trên bến Hán Dương, đàn lên đi cho bốn bề hoa cỏ gió trăng, đưa khách bềnh bồng gặp người lưu lạc. Để đôi lứa giang hồ đêm nay họp mặt, chung một ưu tư qua chén tạc chén thù...(xề)
Ôi tiếng đàn réo rắt về khuya, nghe não nuột như một lời tự thán.
Đêm nay ta say đây không phải say tiếng đàn Tư Mã mà say tiếng đàn của một Bá Nha./.
VỌNG CỔ: (Câu 6 dứt liu)
Bá Nha:Tử Kỳ em ơi vì vầng trăng bạc đang khuất dần sau rặng núi và rượu tương giao cũng đã mãn một... canh… chày.
(-)(-) Thôi tạm chia tay nhau và hẹn lại một ngày nào.
Tháng tám năm sau vào mùa trăng sáng, trên bến sông này sẽ tao ngộ trùng hoan. (SL) Anh sẽ đem đàn đến bến Hán Dương. Ngồi chờ đợi bóng bạn hiền tri kỷ. Và từ đêm nay Bá Nha đã hứa, chỉ dạo đàn khi gặp lại Tử Kỳ.(Xề)
Tử Kỳ: Giữ lời nguyền với bạn tri âm, đúng rằm tháng Tám năm sau, Tử Kỳ không trễ hẹn.
Bá Nha: Để trên bến Hán Dương nối tình đôi bạn, chỉ có một người đàn cho một người nghe .
(Sau khi Tử Kỳ lỗi hẹn, Bá Nha tìm đến thôn trang)
Lối:
Bá Nha:
Đây lối nhỏ cảnh đồi thông xơ xác,
Cỏ hoa tàn bên khóm trúc thanh tao,
Đường vào thôn trời điểm giọt mưa tầm,
Đàn chim nhỏ như đón chào người khách lạ./-
Chung lão: Quý khách muốn tìm ai mà xem dường bỡ ngỡ, tay ôm đàn, tay bầu rượu túi thơ, trông thấy người lão đã xúc động tâm tư, nhưng chưa dám hỏi qua danh tánh.
Bá Nha: Thưa lão bá, tôi là Bá Nha, tìm bạn tên Tử Kỳ.
KIM TIỀN BẢN:
Để hỏi rõ đầu.. đuôi
Cho biết vì sao đã lỗi hẹn,
không đến bến Hán Dương, để họp bạn thưởng trăng
Mùa thu đã đi qua, một mùa trăng khuyết tịch,
Mà đâu bạn cố tri vẫn vắng bặt âm hao.
Chung lão:
Tử Kỳ chính là con của lão đó ngài ơi,
Nó lỗi hẹn với người rồi, thật tội nghiệp con tôi
Bá Nha:
Nhưng Tử Kỳ ở đâu, xin cho tôi gặp mặt,
Sao lại lẩn trốn Bá Nha, hay đã quên nghĩa thâm giao./-
Chung lão: (Nói) Ngài ơi, không phải nó đã quên nghĩa thâm giao hay dứt tình bằng hữu, nhưng chẳng bao giờ ngài còn gặp được con lão nữa đâu.
Bá Nha: Chung lão nói sao?
Chung lão: Kìa là bài vị con tôi đang đặt ở linh sàng, nếu ngài muốn gặp nó hãy thắp vài nén hương tưởng niệm.
Bá Nha: Trời, Tử Kỳ bạn của Bá Nha đã chết. Tử Kỳ, Tử Kỳ em ơi sao em vội bỏ đi đâu biền biệt, không đón chào khi anh trở về thăm, từ đây giữa cõi đời vắng bạn tri âm, cung ai oán lạnh lùng trên phím nhạc.
VỌNG CỔ: (Câu 4)
Chung lão: Ngài ơi trước giờ Tử Kỳ xuôi tay nhắm mắt, nó có dặn lão rằng nếu ngày này tháng này có ai tìm đến xưng là Bá Nha trách nó vì sao lỗi hẹn, thì hãy nói lại rằng nó chết đi mà một niềm ân hận vẫn mang theo xuống tận chốn... Diêm… Đài.
(-)(-) Có một hôm nhìn trăng nó hỏi tháng hỏi ngày
Lão bảo đêm nay là đêm rằm tháng Tám, nó chợt bàng hoàng đòi lão đưa nó đến bến Hán Dương. (SL) nhưng thấy nó sức kiệt, hơi tàn, lão không thể chiều con và cũng vừa lúc Tử Kỳ trong cơn hấp hối, nó trăng trối rằng đêm nay có người ngồi đợi để đàn cho nó nghe ở bến sông này./.
(Nói)
Nếu lão không lầm thì người mà nó thường nhắc nhở, người ấy có phải là quý khách đây chăng?
VỌNG CỔ: (Câu 4 - 6)
Bá Nha: Vâng, tiếng đờn của Bá Nha chỉ một Tử Kỳ là người tri kỷ tri âm, nhưng Tử Kỳ chết rồi thì chiếc đờn này đã trở thành vô dụng, vậy xin lão bá hãy đưa tôi ra viếng thăm phần mộ để khóc bạn tri âm rồi đập vỡ... cây… đàn
Trước ngày chia tay tôi đã hứa với bạn hiền
Rằng những tiếng nhạc nặng mang sầu thế sự, chỉ có Tử Kỳ mới hiểu được Bá Nha. Nhưng bạn đã chết rồi tôi đàn nữa để ai nghe, khi nhân thế là một trò đen bạc. Đàn nữa mà chi cho thêm sầu cung bậc, khi Bá Nha đã mất bạn Tử Kỳ.
Tử Kỳ bạn ơi, hồn bạn có linh thiêng hãy chứng giám cho tình bằng hữu, ta khóc bạn máu hồng loang khóe mắt. Nhớ lại đem nào trên bến Hán Dương, ngồi chung một thuyền nói chuyện hàn huyên, mình cảm thông nhau bởi tiếng đàn tâm sự, nhưng thế gian này bạn không còn nữa, thì cũng kể từ đây ta đập vỡ cây đàn.(Xề)
Tử Kỳ ơi đó là tình tri kỷ tri âm, dù sống chết đôi mình vẫn như hình với bóng. Đàn ơi đã mất Tử Kỳ, giữ lại làm gì bởi đã hết người nghe./.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: