BẾP LỬA
Thơ: Bằng Việt
Vọng cổ: Phan Giang
Nói lối
Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa…
Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xe khô rạc ngừa gầy
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay…
Vọng cổ
1. Bà ơi! Làm sao cháu quên được bếp lửa thân quen bà thường nung nấu từ lúc cháu còn ngây thơ cho đến lúc nên … người.
Dù tuổi đã cao nhưng trên môi bà luôn nở nụ cười.
Vất vả nuôi cháu con bà đâu quản ngại, chỉ mong cháu của bà sớm được thành nhân.
Mỗi độ xuân tàn tiếng tu hú kêu rân, cháu cảm thấy bâng khuâng khi mỗi lúc nhìn bà.
Thấy tóc bà cứ bạc thêm ra, không biết vì gian lao hay vì khói bếp?...
2. Cháu còn nhớ mùa đông tiết trời giá lạnh, bếp lửa bà nhen làm ấm cả gian nhà.
Túp lều nhỏ đơn sơ nhưng tình nghĩa đậm đà.
Cháu cảm nhận được tất cả những gì bà dành cho cháu nên cháu ở bên bà rất mực chăm ngoan.
Bố mẹ cháu lên đường làm nghĩa vụ thiêng liêng, chỉ còn lại bà cháu ta trong căn nhà hiu quạnh.
Tu hú ơi sao không đến ở cùng bà, kêu chi hoài trên những cánh đồng xa!
Nói lối
Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh…
Lý ba tri
Năm tháng thắm thoát trôi qua, cháu ở bên bà sẻ chia gian khó
Nhà tranh vách lá đơn sơ, nhưng đượm nghĩa tình chẳng chút mờ phai.
Vững chí kiên cường đánh loài xâm lăng.
Vọng cổ
5. Nhưng rồi túp lều tranh xưa cũng không còn nữa bởi làn đạn xâm lăng của quân cướp nước hung…tàn.
Bà được chở che bởi nghĩa xóm tình làng.
Ôi tội ác của bọn vô lương vô cùng to lớn, đã gây cho bà bao tai biến thương đau.
Nhưng lòng bà vẫn vững tợ non cao để không hổ thẹn với bậc tiền nhân cao quý.
Nung nấu nhân dân yên lòng vững chí, cất bước ra đi bảo vệ sơn hà.
6. Bà ơi! Cuộc đời bà chịu trăm đắng nghìn cay.
Cháu vẫn nhớ mãi công lao trời biển đó.
Mỗi lúc hoàng hôn phủ trùm lên xóm nhỏ, nhìn bếp lửa hồng cháu lại nhớ đến bà luôn.
Càng thương bà nhiều cháu càng giận bấy nhiêu, giận những kẻ ngang tàng bỉ ổi.
Cháu muốn xé nát những gì gây tội lỗi, để bà mãi an tâm bên bếp lửa diệu kỳ.
Giờ cháu đã đi xa, có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở
Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa!...
(Bài tân cổ Bếp Lửa được sáng tác dựa trên ý thơ trong bài Bếp Lửa của nhà thơ Bằng Việt. Nội dung chính của bài nói về tình cảm của người cháu dành cho người bà với hình ảnh bếp lửa ấm áp thân thương chan chứa nghĩa tình.)