TIẾNG KHÓC MỒ CÔI
Đặng Thanh Huyền
(* Viết cho ngày Quốc Tế Thiếu Nhi - 01/6)
Ngâm:
Mẹ cha đang ở nơi nào?
Có nghe tiếng khóc thét gào của con
Hai em bụng đói co tròn
Lệ khô thấm má vẫn còn luốc lem.
Đoản Khúc Lam Giang (8 câu đầu):
Từng dòng người qua đây
Khi phố đêm mưa tuôn tràn bao nhớ thương
Nhìn theo dáng ai xa mờ
Bâng khuâng trong lòng thâm tình đâu thấy
Từ ngày rời quê hương
Bao gió sương ôi vương đầy nơi tim
Trông về tuổi thơ xưa thần tiên
Ấm êm gia đình, quây quần với tháng năm bình yên.
Vọng Cổ:
Mẹ cha ơi đôi mắt cằn khô của đứa con mới vừa tròn mười bốn tuổi. Chẳng còn đủ thời gian để ngậm ngùi tuôn đổ nữa, bởi cuộc sống mưu sinh hối hả ở bên… đời… (-) (-)
Câu 1. Thân phận mồ côi sương gió dập tơi bời… (-)
Thương các em xanh xao gầy gò ốm yếu,
Đêm chẳng chăn màn, ngày đói lạnh giữa mưa giông. (SL)
Con Út cứ nũng nịu đòi ăn miếng cá chà bông,
Mà mẹ làm sau mỗi buổi đồng trưa nắng sớm.
Tiếng khóc nghẹn ngào của trẻ mồ côi,
Thấu tận trời cao xé màn đêm buốt giá…
Thơ:
Bàn tay xoa lấy bàn tay
Áp vào đôi má ấm ngày xa xưa
Nhớ lần đêm đổ cơn mưa
Mái đầu mẹ ướt, riêng chừa khô con.
Câu 2. Thương lắm cuộc đời cần lao nơi miền quê đá sỏi, mưa bão quanh năm khổ đói cơ hàn… (-) (-)
Cha mẹ bỏ chúng con đi trong trận lũ hung tàn… (-)
Bên mái nhà chỉ còn chơ vơ tiếng khóc,
Cố bấu víu thâm tình nấc nghẹn bi ai. (SL)
Tuổi lên mười đã quằn nặng đôi vai,
Với bao nỗi lo toan bộn bề cuộc sống.
Rồi vào một đêm mưa: đứa bồng, đứa cõng,
Tập quen kiếp lạc loài nơi xứ lạ tha hương…
Lý Con Sáo:
Nơi nao xa… cha với mẹ nào hay chăng?
Các con khờ ước mong
Bữa cơm ngon ấm áp thâm tình
Hết co ro đói rét đêm nằm
Nước mắt không còn tràn tuôn tháng năm
Vạn yêu thương luôn ôm ấp kề bên
Được đến trường như bao đứa trẻ thơ
Nhưng chỉ mơ thêm xót xa càng hơn.
Vọng Cổ:
Thương các em ngày chịu nắng mưa, đêm về thêm lạnh lùng buốt giá. Dù tuổi còn nớt non nhưng bàn tay con đâu ngại lần vất vả, để đổi lấy chén cơm ngon làm no dạ các em… khờ… (-) (-)
Câu 5. Đói sạch rách thơm lời mẹ cha dạy chẳng phai mờ… (-)
Vẫn biết không còn được đoàn viên sum họp,
Khi đất trời đã nổi bão táp mưa giông. (SL)
Nhưng dẫu mây mù có phủ lấp cuộc đời con,
Cho cánh chim non mất thăng bằng chấp chới.
Thì vạn yêu thương ngọt ngào của cha mẹ,
Tiếp bước chân con trên vạn nẻo đường đời…
Câu 6. Tiếng khóc không còn kèm nữa vạn giọt lệ rơi, sao manh chiếu đất vẫn đầm đìa nước mắt.
Phải sương rơi để rửa áo quần thơm sạch,
Hay nhắc đứa con khờ đời cạm bẫy bon chen.
“Hò ơ… Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng… Hò… ơ….
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn…”.
Mẹ cha ơi dù áo quần đứa con khờ dơ rách,
Nhưng mãi giữ gìn lòng trong sạch thanh cao.
Mồ côi nước mắt mặn trào
Âm thầm đói lạnh phương nào ai hay?!
Long Xuyên, ngày 01 tháng 6 năm 2015.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---