HÁT VỀ NÔNG TRƯỜNG SÔNG HẬU
Tác giả: Ngô Hồng Khanh
Lý tòng quân:
Con kênh dài, con kênh dài xanh xanh
Nướt trôi trôi nước quanh ruộng đồng
Mình đưa nhau về trên nông trường yêu thương
Đồng lúa đưa hương cá nhởn nhơ bơi lội
Con chim trời lượn qua trên nông trường cất tiếng ca
(1)
Con cá quẫy đuôi.
Con chim trời tung cánh.
Con trâu mượt đen nằm nhơi trong nắng.
Đàn vịt trắng rỉa lông - ngỡ cánh đồng bông vải trắng.
Sông Hậu ơi say đắm nông...
... trường. Điện sáng giăng giăng đi giữa phố phường. Mình về đây ơi nông trường sông Hậu, say cái nắng đốt ngoài đồng và ngọn lửa cháy trong tim, say tiếng máy rì rầm suốt lúa đêm đêm, say cái gió miên mang ve vuốt ánh trăng mềm, say ánh mắt nhiệt tình những người chị người anh, say những bước chân ngày đêm hối hả.
(2)
Ôi những nếp nhăn nâu hằn sâu trên vầng trán đẹp tựa màu nâu trên mỗi đường cày. Mái tóc bạc thêm mà tim vẫn trẻ hoài. Tôi muốn hát về một người chiến sĩ mấy chục năm dài vẫn bền bỉ đấu tranh. Thắng giặc ngoại xâm giờ chiến thắng nghèo nàn. Tôi muốn hát về những mái đầu xanh màu da rám nắng, những lưng áo nhuộm phèn đầy mồ hôi muối trắng. Nắng vẫn đốt ngoài đồng và lửa vẫn cháy trong tim.
Lý tòng quân:
Tôi say nhìn, tôi nhìn đồng xa
Phải nơi đây mảnh đất xưa hoang tàn?
Mồ hôi bao người đã tưới thành ruộng xanh
Đồng lúa mênh mông ấm no đang gọi
Ôi nông trường bao la, nghe tim mình hát ca.
(5)
Phải chăng em hạnh phúc ấm no từ bàn tay ta chắt chiu gầy dựng? Lo cái nắng hạn tháng Năm con nước rong tháng Bảy. Hạt lúa ngoài kia đêm nằm trăn trở thì ở nơi đây đếm từng giọt mưa rơi người cũng trăn trở trắng đêm ...
...dài. Lúa dưới mưa rơi lúa vẫn ấm tình người. Con cá ngoài sông về nông trường đẻ trứng. Rạ ở lại nuôi đồng cho hạt lúa về kho. Chị kỹ sư gầy lo nuôi ú đàn heo, tròn trĩnh tung tăng bu quanh bầu sữa mẹ. Anh máy kéo da ngăm mà nụ cười rất trẻ. Mặt đất nhấp nhô vẫn thẳng đường cày.
(6)
Mùa xuân mới về nông trường sông Hậu
Say cái ánh nắng đốt ngoài đồng ngọn lửa cháy trong tim
Say ánh mắt nhiệt tình những người chị người anh
Thương sắc da nâu như màu nâu của đất
Thương cái vất vả đêm ngày hối hả những bàn chân
Thương mái đầu bạc mà trái tim rất trẻ
Thương nếp trán nhăn nheo hằn sâu suy nghĩ.
Nông trường đây tôi ngỡ chiến trường - chiến trường đó của những người chiến sĩ chiến thắng đói nghèo và chiến thắng ngoại xâm, chiến trường đó của bao điều suy nghĩ: phải làm gì no ấm cho quê hương.
Soạn giả Ngô Hồng Khanh sinh năm 1945, là con trai của liệt sĩ Ngô Kim Hồng, ở ấp Bình, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè. Năm 1961, lúc đang học ở trường Trung học Tống Phức Hiệp (nay là trường Lưu Văn Liệt, TP. Vĩnh Long), Ngô Hồng Khanh đã tham gia hoạt động cách mạng hợp pháp tại xã nhà. Năm 1963, cán bộ của Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Nam (R) về huyện Cái Bè tuyển diễn viên, Ngô Hồng Khanh đăng ký đi và được tuyển thẳng về công tác tại đoàn văn công này. Đến năm 1972, Ngô Hồng Khanh được ra Hà Nội vừa học, vừa sáng tác ca cổ cho Đài Phát thanh Hà Nội và Đài Giải phóng. Năm 1974, anh tốt nghiệp khoa đạo diễn của Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam.
Sau giải phóng miền Nam, Ngô Hồng Khanh công tác ở Quân khu 9. Năm 1978, anh được chuyển ngành sang dân chính, làm Phó Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Hậu Giang (2 tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng sáp nhập thành tỉnh Hậu Giang từ năm 1976 - 1991). Khi chia tỉnh trở lại, Ngô Hồng Khanh là Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Cần Thơ, đại biểu Quốc Hội khóa IX, nhiệm kỳ 1994 - 1999; năm 1998 là Ủy viên Ban Thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Vụ trưởng Ban Văn hóa - tư tưởng Trung ương; đến năm 2007 được nghỉ hưu trí và đang ở TP. Hồ Chí Minh.
Quá trình hoạt động nghệ thuật, soạn giả Ngô Hồng Khanh đã sáng tác trên 50 vở cải lương, 600 bài vọng cổ ca ngợi tình quân - dân, tình đồng đội, những chiến công trong kháng chiến và những thành tựu trong xây dựng, phát triển đất nước; trong đó có những vở cải lương đã đoạt Huy chương Bạc trong các lần hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, toàn quân như các vở: Hoa đồng nước nổi (năm 1984); Mưa nguồn (năm 1985); Êm ả một dòng sông, Tình ca đêm chơi vơi (năm 1990); Loài hoa không tên (năm 1995)...
Ngô Hồng Khanh sáng tác nhiều bài vọng cổ hay, đã được nhiều nghệ sĩ tài danh ca thu thanh, thu hình phát trên sóng các đài phát thanh - truyền hình cả nước. Các hãng băng, đĩa cũng thu thanh, thu hình để kinh doanh. Nhiều thí sinh đã ca - diễn dự thi các cuộc hội diễn, hội thi vọng ca cải lương toàn quốc, khu vực, Giải "Bông lúa vàng" (2 năm 1 lần) và tuyển chọn giọng ca cải lương hàng tuần tại Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh đạt nhiều giải cao và khán, thính giả yêu thích, như các bài: Lời người hát rong, Đêm Quan họ, Thương em nhiều qua là thư xuân,Cung đàn mới, Cung đàn mùa hạ, Chiều sông Lô, Tiếng ru đêm, Trăng Cao nguyên, Mùa bông tràm... Riêng bài "Hương sen Đồng Tháp", ca ngợi xã Mỹ Lợi và tổ thương binh anh hùng tại xã này, do 2 nghệ sĩ tài danh Thanh Nhanh và Thanh Thoản ca.
Từ tháng 5-2008 đến nay, soạn giả Ngô Hồng Khanh làm Trưởng Ban Giám khảo các cuộc thi tuyển giọng ca cải lương, Giải "Bông lúa vàng" và thi giọng ca cải lương hàng tuần tại hội trường Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh, được trực tiếp truyền thanh từ 14-15 giờ 30 mỗi chiều thứ bảy hàng tuần.