CA DAO TÌNH MẸ
Phạm Huỳnh Luân
Ngâm Thơ
Nam 1: Chẳng tham nhà ngói ba tòa
Tham vì một nỗi Mẹ Cha hiền lành
Nam 2: Làm trai nết đủ trăm đường
Trước tiên điều hiếu đạo thường xưa nay
(Ca dao)
Lý Năm Căn
Nam 1: Lời ru… Tha thiết ầu ơ.
Từ trong câu hát ca dao.
Mẹ đã hát ru cho con.
Bằng tình thương trái tim người mẹ.
Nam 2: Thời gian trăm ngã ngược xuôi
Dù cho năm tháng dần trôi.
Nhưng câu hát ngày xưa chẳng phai mờ.
Vọng Cổ
Câu 1: Nam 1: Bên lũy trúc bờ ao gió thoảng mên man từng lời ru êm ả; gợi nhớ trong con hình dáng của Mẹ....hiền.
Tình của Mẹ của Cha quý hơn châu báu bạc tiền… - Nam 2: Dẫu đi đâu nơi cùng trời cuối đất, cũng không thể nào tìm được hình ảnh thân thương. Nam 1: Người đời vẫn ca rằng mỗi người chỉ có một quê hương, giống như chỉ có một Mẹ ở trên đời. Mẹ chính là lẽ sống của đời con, trong mắt con khờ Mẹ tuyệt vời như bà tiên giáng thế.
Dặm
Nam 2: Ầu… ơ … Gió mùa thu Mẹ ru con ngủ năm canh chày. Ầu … ơ… năm canh chày Mẹ thức đủ năm canh.
Câu 2. Nam 2: Mẹ đã ru con từ lúc nằm trong bụng Mẹ, đến khi sinh ra và khôn lớn nên người … Nam 1: Văng vẳng bên tai lời Mẹ ru tha thiết ngọt ngào… Từng tiếng ca từng lời ru của Mẹ, đã in sâu vào trong tiềm thức trẻ thơ. Nam 2: Dẫu đi đâu nơi biển bắc trời nam, vẫn nghe thoang thoảng lời Mẹ hiền ru con ngủ. Con thèm được gối đầu trong vòng tay của Mẹ, được nghe tiếng ơ ầu từ những khúc ca dao.
Lý Ba Tri
Nam 1: Ầu ơ… Con ngủ cho say tiếng Mẹ ru hời ngàn năm vẫn nhớ.
Ngày mai dẫu có đi xa câu hát quê nhà và tình Mẹ bao la.
Luôn sáng trong tim con, chẳng bao giờ mờ phai.
Vọng Cổ
Câu 5. Nam 2: Đây quê Mẹ con ơi! Huyền thoại lung linh như lời ru tha thiết; Dòng sông quê hương chở đầy nỗi nhớ tình quê hương tình Mẹ đong…đầy. Công Cha nghĩa Mẹ ơn đức cao dày…
Nam 1: Ầu ơ ngoài trời gió lạnh căm căm, bên ướt Mẹ nằm bên ráo phần con. Mẹ chính là một thiên thần trong huyền thoại, không ca từ nào tả hết công ơn. Nam 2: Ví dầu tình Mẹ bao la, không chi sánh được công lao Mẹ hiền.
Dặm
Nam 1: Ầu …ơ… Chiều chiều ra đứng ngõ sau trông về quê mẹ. ầu .. ơ … trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.
Câu 6. Trên con đường làng con trở lại quê xưa, nghe người mẹ trẻ hát ru con khiến lòng xao xuyến. Như thức dậy trong con những lời ca dao tha thiết, mà Mẹ đã ru hời trong giấc ngủ đầu nôi. Nam 2: Giờ con thèm được gối đầu trong vòng tay Mẹ, để được lắng nghe những lời ru êm ả. Cho con sống lại những ngày xưa thơ ấu, để hình ảnh Mẹ con lưu dấu mãi trong đời….
Nam 1: Dẫu vật chất có đổi dời hình ảnh cũ có phôi pha, nhưng tâm trí con mãi khắc ghi hình ảnh Mẹ. Nam 2: Ôi! Lũy tre xanh cây đa già giếng nước, gợi lại ân tình lẫn trong khúc ca dao.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Phạm Huỳnh Luân với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 002- 2014/HĐTPSK - CLB, ký ngày 28/9/2014 giữa Tác giả Phạm Huỳnh Luân và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
--------
Tác giả Phạm Huỳnh Luân đến với cải lương và tập tành sáng tác từ những năm còn học cấp 3 đến nay đã hơn 20 bài vọng cổ, những sáng tác của anh luôn thấm đẩm tình người, tình yêu quê hương đất nước, sự cảm thông và sẻ chia với cuộc đời.
Có nhiều lúc Phạm Huỳnh Luân chia sẻ rằng: Vọng cổ như là gia vị để làm cuộc sống thêm đa đạng và thú vị hơn, được xem như là tiếng lòng để giải bày tâm sự, để tìm sự đồng cảm trong lúc rong ruổi một mình. Và anh cũng muốn dùng bài vọng cổ của mình để gửi gắm tâm tình đến bạn tri âm…