GẦN LẮM TRƯỜNG SA
Lời nhạc: Hình Phước Long
Lời cổ: Ngô Thanh Diệu
NÓI LỐI:
Chiều Nha Trang em lặng nhìn về phương ấy
Có nỗi nhớ nào hơn nỗi nhớ Trường Sa
Từng đợt sóng vỗ về quanh ghềnh đá san hô
Hình ảnh thiêng liêng trái tim người chiến sĩ…
VỌNG CỔ:
Câu 1: Nhìn bọt sóng triều dâng cuồn cuộn đuổi xô nhau tìm về
nơi hải đảo. Đôi mắt biên cương thiêng liêng tình đồng đội
Trường Sa ơi Tổ Quốc gọi… tên… mình. (-)(-)
Ghềnh trúc san hô sóng bủa điệp trùng.
Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ.
Chỉ có loài chim ngàn chấp chới gọi Trường Sa (SL)
Anh thường nói rằng: Trường Sa lắm xa xôi.
Mỗi cánh thư đi là cả một khung trời
Đôi mắt rạng ngời lóng lánh yêu thương
Tổ quốc, quê hương – gọi Trường Sa thân thiết.
NHẠC:
Mỗi cánh thư về từ đảo xa,
Anh thường nói rằng Trường Sa lắm xa xôi.
Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ, bên đồng đội
yêu thương.
Chỉ có loài chim biển, sóng vỗ điệp trùng quanh đảo trúc
san hô.
Trường Sa ơi, biên đảo quê hương,
Đôi mắt biên cương, vẫn sáng long lanh giữa sóng cuồng
bão giật, đảo quê hương.
Anh vẫn đêm ngày giữ biển khơi,
Thương nhớ sao nguôi ngươi chiến sĩ Trường Sa ơi.
Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi.
Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh,
Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em.
VỌNG CỔ:
Câu 2:
Trường Sa ơi anh gọi về từ nghìn trùng cách trở
Mà sao quá thân thương hoa sóng vỗ quanh mình. (-)(-)
Chiều Nha Trang muôn dặm hóa ra gần.
Anh vẫn ngày đêm canh giữ biển trời hải đảo
Thắm nghĩa vẹn tình son sắt thủy chung (SL)
Nhìn lá bàng vuông theo gió biển đẩy đưa
Đàn ghitar bập bùng anh trỗi nhịp
Đêm Trường Sa dọc hành trình đất nước
Miền cát trắng dịu dàng luôn nhớ mãi… về… anh.
NGÂM THƠ:
“Khi xa sát vách cũng xa
Khi gần muôn dặm đường xa cũng gần.”
NHẠC
Mong cánh thư về từ đảo xa
Nơi thành phố này Trường Sa vẫn bên em
Anh ơi có nghe lời người từ phố biển
Khi ngọn triều dâng cao, khi cánh hải âu về
Sóng vỗ điệp trùng quanh đảo trúc san hô
Trường Sa ơi ! Biển đảo quê hương
Vẫn thấy anh đang giữa sóng cồn giữ đảo,
đảo quê hương
Canh giữ đêm ngày giữa biển khơi
Thương nhớ sao vơi người chiến sĩ Trường Sa ơi !
Không xa đâu Trường Sa ơi !
Không xa đâu Trường Sa ơi !
Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh
Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em
Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh
Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em
VỌNG CỔ:
Câu 5:
Trường Sa ơi! Biển đảo quê hương anh có nghe trong
sóng nước, mây trôi lời người từ phố biển. Khi ngọn sóng
dâng cao, ánh hoàng hôn vừa khuất chìm sau đỉnh núi.
Những cánh thư xa ngày đêm em mong mỏi, lời nhớ lời
thương theo cánh hải… âu… về. (-)(-)
Chiều Nha Trang gió lộng thổi tư bề.
Nơi ấy xa khơi lời em tha thiết gọi
Niềm xúc động bồi hồi nỗi nhớ Trường Sa. (SL)
Bờ cát dài sao bỗng bâng khuâng
Như thấy anh sừng sững kiên trung giữa pháo đài giữ đảo
Người chiến sĩ biên cương nơi đầu non ngọn sóng
Có hay chăng khi nắng đã sang mùa.
LƯU THỦY HÀNH VÂN:
Mưa buốt lạnh chiều Nha Trang bão giông
Người lính nơi biên phòng
Xa xôi, anh có hay chăng những lời em trao.
Trường Sa ơi! Mãi trong tim ngọt ngào
VỌNG CỔ:
Câu 6:
Anh có nghe chăng lời người từ phố biển
Gửi nỗi niềm riêng đến người lính biên thùy.
Chiều xuống dần in dấu bước chân xa
Tím cả hoàng hôn lững lờ con sóng vỗ
Thân thương, gởi chút tâm tình
Nha Trang cát trắng… ôm bóng hình Trường Sa!
Tác giả Ngô Thanh Diệu là một người con của vùng đất Bến Tre, mảnh đất hiền hòa được hình thành bởi ba dãy cù lao, quanh năm dừa xanh nghiêng mình soi bóng nước. Sinh ra và lớn lên trên vùng đất một thời máu lửa, những vết thương chiến tranh còn đó, hằn sâu trên những thân dừa kiên gan anh dũng, lấy thân mình che chở quê hương.
Là một tác giả không chuyên, vì lòng đam mê yêu nghệ thuật mà tác giả đã mày mò, tìm hiểu, mượn giai điệu của nhạc ngũ cung để viết lên tâm tư, tình cảm của mình. Vốn được quê hương nuôi dưỡng bằng tình thương yêu chân thành, được gắn bó với sự chân chất, mộc mạc của làng quê, từng thửa ruộng, bờ tre, từng hàng hiên mái lá… hay những mảng tường loang, những gốc phượng già nua bên ngôi trường cũ, cũng khơi gợi trong lòng tác giả biết bao là kỷ niệm, ân tình.
Tác giả may mắn có được một tuổi thơ êm đềm bên mái ấm gia đình, dù cuộc sống cơ bần nhưng luôn rộn rã tiếng cười và ngập tràn hạnh phúc. Được thả mình theo những cánh diều no gió, những trò chơi trẻ thơ hồn nhiên và mang đậm tính nhân văn. Có lẽ chính vì vậy mà phảng phất đâu đó trong mỗi tác phẩm luôn có dáng hình của một làng quê thanh bình, êm ả. Có những người dân quê thật thà, bình dị. Những tình cảm ngọt ngào da diết ấy như những giọt phù sa lấp lánh trên dòng nước Cửu Long, mát ngọt và thấm đậm nghĩa tình.
Những tác phẩm như một lời tri ân, chia sẻ của tác giả đối với quê hương, đất nước, với những người dân quê tay lấm chân bùn. Dẫu có đi đâu, về đâu thì mảnh đất cù lao nhỏ bé ấy vẫn mãi là niềm tin lẽ sống, đã gắn bó với tác giả một quãng đời tuổi thơ êm đềm đầy kỷ niệm khó thể mờ phai.