ĐÊM KHUYA NHỚ BẠN
Đặng Thanh Huyền
Lý Con Sáo:
Đêm khuya sương lạnh nhớ bạn hiền tri âm
Nhìn sao trời xa xăm
Em ngỡ như đang tâm sự với anh Huyền
Ly rượu đắng cay nhưng thắm đượm nghĩa tình
Anh đâu rồi để em mãi nhớ mong
Khi gió trăng đang quẩn quanh gần đây
Dẫu biết rằng trời đã rất khuya
Rượu đắng môi chắc bởi thiếu một người chăng…
Vọng Cổ:
Câu 01: Cầm ly rượu trên tay em ngắm nhìn xa xăm rồi từ từ uống vơi dần một nửa. Còn lại giọt nhớ giọt thương giọt chờ giọt đợi là để dành riêng cho người bạn… thâm… tình.
Đâu phải em thích ngồi đây uống rượu một mình.
Bởi cuộc sống lo toan bộn bề vất vả, ai cũng có gia đình để chăm sóc yêu thương.
Nên dù em luôn rất muốn mời anh, nhưng ngại lo anh khó xử với vợ hiền.
Để cuối cùng em ngồi chỉ mình em, uống rượu cô đơn nhớ mong người tri kỉ…
Câu 02: Biết bao đêm em ngồi đây tâm sự, bên ly rượu cô đơn thiếu vắng bạn hiền.
Đời đâu chỉ có cao sang vật chất kim tiền.
Mà quý anh ở nghĩa tình tri kỉ, cách sống ở đời xử thế đối nhân.
Hai tiếng bạn hiền anh đón nhận hay không, em xin kính cẩn trao để làm quà kỉ niệm.
Vì anh Huyền là một người tự trọng, nên đâu có món quà nào sánh nổi nghĩa tri âm…
Nhạc:
Ơ… ơi… nghĩa tình anh
Ơi… hỡi tình thâm
Có ai thấu hiểu
Rượu nhạt Nam cầm
Như tiếng tơ lòng
Chờ đợi tri âm
Đắng môi vị đắng
Buồn càng buồn hơn…
Đắng môi vị đắng…
Buồn càng buồn hơn…
Vọng Cổ:
Câu 05: Tại rượu nhạt đắng môi hay tại vì thiếu người tri kỉ. Hay là để em rót vào đây bằng nỗi niềm thương nhớ cho vị đắng men cay làm say nghĩa… say… tình.
Là nghĩa tình thâm tình bạn của đôi mình.
Dù anh sinh ra trên miền quê xứ Vĩnh, em chào đời nơi đất mũi Cà Mau.
Dẫu hai miền xứ sở khác xa nhau, không thể nối liền nghĩa tình thân thuộc.
Nhưng hãy tin rằng ta quen nhau từ kiếp trước, nên kẻ lạ người xa bỗng hóa thâm tình…
Câu 06: Em muốn hỏi sương tàn gió lạnh đêm trăng, để thấu hiểu cuộc đời muôn màu dối trá.
Vị đắng trên môi đâu chỉ là men rượu, mà có ít nhiều cào xước của thế nhân.
Đêm nay ngồi thiếu vắng bạn thân, biết tìm đâu ra men say nghĩa tình tri kỉ.
Trời khuya ta tâm tình cùng trăng gió, nghe đâu đây hơi thở bạn thâm tình.
Ly rượu này em dành tặng cho anh, mặc gió trăng có buồn phiền giận dỗi.
Cuộc đời em vẫn còn niềm may mắn, khi có người bạn hiền tri kỉ là anh./.
Long Xuyên, ngày 15 tháng 6 năm 2007
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---