ĐỘI GẠO ĐƯỜNG XA
Kiên Giang
Thầy Tử Lộ vào chầu Khổng Tử
Gục đầu nức nở khóc như mưa
Thầy ơi nhớ những ngày rau cháo muối dưa
Con đội gạo đường xa nuôi mẹ
Vọng cổ:
1 - Nhưng hỡi ơi ! Sau khi chiếm bảng khôi nguyên thì mẹ cha đã vội bước qua ...đời.
Trên đường vinh quy bái tổ lòng con đau xót vô hồi.
Tiếng trống dập dồn, tiếng chào mừng rộn rã, lời chúc tụng hoan hô, không có che lấp được nỗi buồn riêng của một vị tân quan, khi liên tưởng đến phút trở về gặp lại mẹ cha trong làn hương khói.
2 - Thầy ơi! Nhớ những ngày cùng song thân náu nương dưới mái thảo đường. Bên án thư con dùi mài kinh sử suốt đêm trường. Ngày ngày, mang giày cỏ mặc áo rơm, vượt trăm dặm đường xa đội gạo qua tiếng hát thiết tha :
Thơ Vân Tiên:
Còn cha còn mẹ như tiên
Mất cha mất mẹ như chim lạc đàn
Ai bỏ cha mẹ cơ hàn
Ngày sau trời phạt kêu đàng ăn xin
3 - Trên đường gió bụi, sỏi đá gai chông, dầu làm rách chiếc áo rơm, đôi giày cỏ hay rướm máu gót chân, nhưng không có làm sờn lòng người đội gạo khi nhớ đến cha mẹ thường nhắc câu: “ Ngọc bất trác, bất thành khí, nhân bất học, bất tri lý” và thường khuyên con dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa thi, chân con bước vội vàng trên đường gai góc mà con đang ngỡ bước vào cửa trường thi hầu chiếm giải mây rồng.
4 - Nhờ chí công ăn học, người được bảng hổ đề tên nên vinh quy bái tổ cho rực rỡ tông đường. Nhưng về đến quê xưa thì cha mẹ không còn.
Ngày nay con được làm quan.
Có xe song mã có vàng đầy kho.
Đi đâu có trống có cờ.
Cổng chào kết tụi, bến đò rắc hoa.
Nhưng con không còn mẹ còn cha.
Lòng con nào khác đám ma ban chiều
5 - Hỡi quân hầu! Hỡi ngựa xe, hỡi cờ quạt, hãy cùng ta dừng lại phút giây trước nấm mộ hoang tàn. Vì ngày vinh quy bái tổ chính là ngày giỗ của song đường, ta tạm cởi chiếc áo nhà quan mặc lại áo rơm, mang giầy cỏ, đầu đội chiếc thúng rách ngày xưa, ta muốn đi, đi trên con đường cũ tưởng niệm song thân. Vì con đường gai góc từ nhà cũ đến làng xa chính là con đường đi đã đưa ta đến cổng quan trường.
6 - Nghe chuyện thầy Tử Lộ đội gạo cúng tế mẹ cha cho nên vua nước Sở liền cho quân sĩ kiệu chiếc thúng rách, áo rơm và đôi giầy cỏ tả tơi về trận triều ca rồi nhờ các văn gia thi sĩ viết lại một tấm gương hiếu thảo của một vị quan đã đội gạo đường xa nuôi mẹ nuôi cha từ thuở cơ hàn.
Hỡi ai bất hiếu bất nhân,
Xem gương Tử Lộ ăn năn sửa mình.
Lo cho cha mẹ tận tình
Tròn câu hiếu đạo, vẹn gìn phận con.
Kiên Giang (tên thật: Trương Khương Trinh, 1929-2014) là một nhà thơ, ký giả, soạn giả cải lương Việt Nam, nổi tiếng với bài thơ "Hoa trắng thôi cài trên áo tím". Ông còn được xem là thầy của hai soạn giả nổi tiếng khác là Hà Triều - Hoa Phượng. Ông còn có bút danh là Hà Huy Hà.
Kiên Giang sinh ngày 17 tháng 2 năm 1929 tại làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang), là đồng hương của nhà văn Sơn Nam. Năm 1943, ông theo học trường tư Lê Bá Cang tại Sài Gòn.
Ngoài làm thơ, Kiên Giang - với nghệ danh là Hà Huy Hà - còn là một soạn giả cải lương rất nổi tiếng thời đó, cùng với Năm Châu, Viễn Châu, Hà Triều - Hoa Phượng, Quy Sắc,... Các tác phẩm cải lương của ông có thể kể đến Áo cưới trước cổng chùa, Người vợ không bao giờ cưới, trong đó Người vợ không bao giờ cưới đã giúp cho nghệ sĩ Thanh Nga đạt giải Thanh Tâm và trở thành một ngôi sao trong giới cải lương.
Trước 1975, Kiên Giang còn làm ký giả kịch trường cho nhiều tờ báo lớn của Sài Gòn như Tiếng chuông, Tiếng dội, Lập trường, Điện tín, Tia sáng,... Ông từng tham gia phong trào ký giả đi ăn mày và dẫn đầu đoàn biểu tình chống lại những quy chế khắt khe do chính quyền Việt Nam Cộng hòa áp đặt lên giới báo chí. Vì hành động này mà Kiên Giang phải vào tù.
Sau 1975, Kiên Giang làm Phó Đoàn cải lương Thanh Nga, kiêm cán bộ Phòng nghệ thuật sân khấu. Ông từng làm Ủy viên Ban chấp hành Hội Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh qua ba nhiệm kì.
Hồi 18 giờ ngày 31 tháng 10 năm 2014, nhà thơ Kiên Giang qua đời tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 86 tuổi. Ông được an táng tại Nghĩa trang Bình Dương, phường Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.[1]