GIẬN HỜN NHAU
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối:
Nam: Giận chi em đã hai tuần thương nhớ
Cánh thư buồn nơi gác trọ không tên
Lòng phập phồng lo lắng khôn yên
Thức trắng thâu đêm viết lên dòng nhật ký...
Nữ: Cũng tại anh đã làm người ta giận
Dẫu trách hờn nhưng thương lắm người ơi
Thiếu anh rồi hồn lạc lõng chơi vơi
Đứng chờ ai thẫn thờ bên song cửa...
Vọng Cổ:
Câu 01: Nam: Nếu đã yêu nhau thì em ơi xin đừng giận nữa. Anh cũng như ai cõi lòng khắc khoải thương nhớ về em thao thức mấy… đêm... trường.
Tình lạc lối về đâu trên vạn nẻo đường.
Để anh khác nào ngồi trên đống lửa, bổi hổi bồi hồi thấp thỏm âu lo.
Gác trọ buồn có kẻ co ro, không phải bởi do tiết trời lạnh lẽo.
Mà tại vì quạnh vắng cô liêu, nhớ người yêu đến u sầu thơ thẩn...
Câu 02: Nữ: Anh nói tại ai cho ai buồn ai nhớ, ai nhớ ai thương ai đợi ai chờ.
Hờn giận vu vơ có nguyên cớ bao giờ.
Anh có biết đâu em sầu em khổ, giận nhau rồi tim lại càng đau.
Em nguyện cầu cho giây phút qua mau, để anh về cận kề bên thỏ thẻ.
Đã hai tuần trôi âm thầm lặng lẽ, anh quá vô tình lạnh nhạt thờ ơ...
Ngâm Thơ:
Nam: Trăng trên cao có khi mờ khi tỏ
Tình chúng mình cũng nào khác chi trăng
Đã yêu nhau sợ gì lần hờn dỗi
Cho trái tim thôi đọng lại vết hằn...
Vọng Cổ:
Câu 05: Nữ: Em vẫn biết tình yêu được xây bằng khổ đau và nước mắt. Nhưng không biết tại sao nghe lòng quặn thắt nhói đau khi hai đứa xa nhau lặng lẽ... âm... thầm.
Nỗi nhớ về anh thêm gấp vạn lần.
Muốn nói cùng ai lời yêu thương tha thiết, hay câu xin lỗi ngọt ngào thôi hết giận hờn nhau.
Nhưng mấy lần chưa thốt kịp thành câu, vì em sợ rằng anh chưa nguôi hờn giận.
Ngọn gió đêm nay tiếng lời em hoà lẫn, có chở yêu thương về phương ấy cận kề...
Câu 06: Nam: Để mắt buồn em thôi đẫm lệ như sương, lành lặn vết thương nơi tim lòng lạnh lẽo.
Hãy tin rằng trên cánh đồng khô héo, hoa sẽ muôn màu rực rỡ ngày xuân.
Anh hiểu rồi mong em đừng giận nữa, yêu tha thiết ngọt ngào xóa giận hờn nhau.
Chắc bởi quá yêu em đến si mê thờ thẫn, nên chẳng nguyên nhân cũng giận dỗi trách hờn.
Nữ: Em trách mình khi gieo khổ cho anh, dù trong lòng có bao giờ thôi nhớ .
Thôi chúng mình hãy cầm tay nhau anh nhé, hết giận hết hờn cho hai đứa được bên nhau./.
Cần Thơ, ngày 20 tháng 3 năm 2004.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---