GIÁNG SINH TẤM NHỚ MẸ HIỀN
Đặng Thanh Huyền
Ngâm Thơ:
Mẹ ơi mẹ ở đâu rồi?
Bỏ con côi cút giữa đời quạnh hiu
Giáng Sinh lạnh lẽo trăm chiều
Tìm nguồn hơi ấm mẹ yêu nơi nào…
Lý Con Sáo:
Long Xuyên đêm lạnh ôi thánh đường về khuya
Con một mình lẻ loi
Tìm khắp nơi nguồn hơi ấm của mẹ hiền
Nhưng tái tê thêm lạnh lẽo trăm chiều
Bởi mẹ hiền giờ đang ở rất xa
Con cút côi khổ đau từng đêm
Tấm của mẹ giờ như Tấm cổ tích xa xưa
Con luôn mong nhớ ước mơ mẹ quay về thăm…
Vọng cổ:
Câu 01: Để con được hỏi mẹ rằng là do ngẫu nhiên hay bởi vì định mệnh. Mà sao cái tên của con nó đi liền số phận của nàng Tấm xa xưa trong cổ tích… tương… truyền.
Ngày mẹ vĩnh viễn ra đi con còn quá dại khờ.
Nghe cha nói “hãy để mẹ được ngàn thu yên nghỉ”, con đâu hiểu gì còn âu yếm chúc “mẹ ngủ ngon”.
Đến một ngày khi con dần chút lớn khôn, cha lại nói “mẹ con bỏ đi biền biệt phương trời”.
Để cha đường hoàng tìm một khoảng trời riêng, buộc con kêu người đàn bà kia là mẹ kế…
Câu 02: Rồi gia đình trở thành câu chuyện buồn cổ tích, khi đứa em cùng cha khác mẹ chào đời.
Tấm vẫn quanh năm chăm chỉ ngoan hiền.
Nhưng phải chịu nhiều đắng cay tủi hổ, khi cha lìa bỏ dương trần vào một đêm mưa.
Con ở nhà lo phụ giúp sớm hôm, để cho đứa em được đến trường ăn học.
Giáng Sinh về lòng thêm chơi vơi lạc lõng, con nguyện cầu được mẹ về thăm…
Nói Lối:
Mỗi đêm về con viết thư gửi mẹ
Hỏi nơi thiên đàng mẹ có lạnh lẽo như con
Thư chất đầy chứa muôn vạn nhớ mong
Nhưng biết gửi về đâu…
Khi không một dòng địa chỉ…
Trăng Thu Dạ Khúc:
Mẹ biết không đêm từng đêm con viết thư
Muốn gửi cho mẹ hiền, để sẻ chia bao cay đắng muộn phiền
Vầng trăng khuya cũng khóc thương con
Tháng năm côi cút tủi hờn chịu muôn nỗi bất công…
Mẹ hiền ơi có hay, sao chẳng thấy mẹ quay về
Để con thui thủi một mình từng đêm nhớ mong…
Vọng Cổ:
Câu 05: Tấm của mẹ sinh ra vốn thiệt thà hiền lành chưa dám lần điêu ngoa dối trá. Nhưng hỡi ôi cuộc đời con sao bị vùi dập héo hon như một cánh hoa xinh chưa kịp nở đã vội… phai… tàn.
Chăn gối từng đêm hứng giọt lệ tuôn tràn.
Đâu chỉ đau buồn khi sớm mồ côi cha mẹ, mà muôn nỗi tủi hờn ngày tháng bủa vây.
Chuyện Tấm Cám con cũng đã từng nghe, nhưng nghĩ đó chỉ là hoang đường cổ tích.
Mẹ cõi vĩnh hằng nên nào hay biết, đêm Giáng Sinh con giá rét tim lòng…
Câu 06: Trời khuya con vẫn còn đứng co ro, nhìn dòng người lại qua vui cười hớn hở.
Nơi thánh đường con dành chỗ riêng cho mẹ, mong chốn thiên đàng mẹ hạnh phúc an vui.
Đừng muộn phiền sầu khổ như con, và thôi vướng bận dương trần lưu luyến.
Con hứa với mẹ từ nay không khóc nữa, luôn chăm ngoan rạng rỡ tươi cười.
Bước trở về nơi hạnh phúc nhất đời con, để tiếp tục viết những dòng thương yêu gửi mẹ.
Những cánh thư dù không dòng địa chỉ, nhưng luôn ấm lòng như được mẹ cận kề bên./.
Long Xuyên, ngày 24 tháng 11 năm 2014.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---