LÝ VÀ TÌNH
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối:
Nam 1: Mười mấy năm bạn bè xưa gặp lại
Chưa kịp mừng đã nghèn nghẹn nơi tim…
Nam 2: Tôi bàng hoàng đứng sửng sốt lặng im
Để lắng nghe tên mình trong lệnh bắt…
Vọng cổ:
Câu 01:
Nam 1: Còn nhớ không anh thuở ấu thơ nơi quê nghèo ta đến trường bằng chân đất. Áo vá quần khâu đầu không đội nón rong ruổi cùng nhau qua ngày tháng... ngây… khờ.
Lem lấm bùn dơ rửa lại nước tắm ao phèn.
Nam 2: Chính quê nghèo đã nuôi đời ta khôn lớn, đất nẻ khô cằn càng khắc nỗi nhớ vào tim.
Nam 1: Đến khi trưởng thành mỗi đứa một cuộc sống riêng, ta vẫn thường nhắc nhau hãy cố gắng giữ mình.
Nam 2: Tôi đã quên lời người bạn tri âm, để hôm nay đánh mất mình trong giây phút…
Câu 02:
Nam 1: Anh vẫn biết tôi là một người kiểm sát, luôn chính trực công minh không vướng nặng chữ tình.
Nhưng cũng tái tê khi buộc phải thấy nhìn.
Nam 2: Đôi tay tôi dù bị chiếc còng khóa chặt, nhưng những ký ức ngày nào vẫn bay bổng tự do.
Nam 1: Anh hãy yên lòng mẹ quê nhà để đó tôi lo, bởi trong cuộc đời ai chẳng lần vấp ngã.
Nam 2: Tôi xin được cảm ơn người bạn hiền tri kỷ, trong hoạn nạn tội tù vẫn vẹn giữ nghĩa tri âm…
Nói Lối:
Nam 1: Rồi phút trải lòng anh khai như tâm sự
Giống giữa hai người bạn cũ gặp lại nhau
Anh vội đưa tay ngăn ngấn lệ sắp trực trào
Tôi nghẹn đắng nghe “mày ơi! tao vô cùng ân hận…”.
Vọng cổ:
Câu 05:
Nam 2: Bởi tao đã vội quên những lời ngày xưa mày căn dặn. Nên trước cám dỗ xa hoa tao lao vào tửu sắc, ham thói đỏ đen mà đánh mất bản... thân… mình.
Mày hãy trách nữa đi, đừng đau xót thương tình.
Nam 1: Tao thấy mày chốn lao tù quá xanh xao hốc hác, càng thương cho mẹ già đang ngày tháng đợi tin con.
Nam 2: Mẹ ơi, cả một đời mẹ chịu nắng dầm sương, chỉ mong muốn đứa con mình thành danh rực rỡ.
Trời ơi, chữ hiếu chưa tròn mà nay mang thêm trọng tội, với nước non và cả nghĩa sinh thành…
Câu 06:
Nam 1: Rồi cuối cùng anh bị xét xử tội tham ô, giữa phiên tòa tôi giữ quyền công tố.
Nam 2: Tôi đứng gục đầu vào vành móng ngựa, lắng nghe từng lời buộc tội trong cáo trạng anh nêu.
Nam 1: Ở ngoài kia trời đất vẫn bình yên, sao tôi bỗng nghe lòng như đang rung chuyển.
Nam 2: Lời nói sau cùng xin cho tôi được cúi đầu tạ tội; với Đảng, nhân dân với người mẹ nua già…
Nam 1: Phiên tòa kết thúc rồi tôi còn dõi mắt trông theo, chiếc xe tù nhân có anh một mình trong đó.
Lần đầu tiên trong đời giữ quyền công tố, giữa lý và tình tôi cũng giây phút phân vân./.
Long Xuyên, ngày 03 tháng 11 năm 2014.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---