MÙA XUÂN DU LỊCH HÒA BÌNH
Soạn giả: A Lý Phượng Tuyền
(Do Thành Long và Diễm Tuyết ca trên đài Tiếng nói nhân dân Thành phố HCM. Được phát sóng đầu tiên lúc 19h00 tối thứ năm 20.01.1994, phát lần II 19h00 đêm 29 tết Qúi Dậu)
LÝ CÁI MƠN
NAM: Hàng cây xanh, chìm trong nắng ấm
Ngan ngát hương hoa, xuân về xuyến xao hồn ta
NỮ: Lữ khách ơi, mời anh đến thăm qua một lần
Niềm luyến lưu Hòa Bình công viên
Chan chứa bao tình xuân
Tô thắm đời sống vui sống đẹp… là đây
NAM: (nói) - Cô, cô gì đó ơi!
NỮ: (nói) -Dạ, chi đó anh?
VỌNG CỔ
NAM: 1-Tôi đã từng đi khắp mọi nơi trên bước đường xuôi ngược. Thăm Huế những đêm trăng bên dòng Hương Giang êm đềm xuôi mát. Nhưng…
NỮ: (nói) –Nhưng sao hả anh?
NAM: Nhưng tôi không thấy ở nơi đâu đẹp bằng Long Khánh…
VỌNG CỔ
1- Quê mình…
NỮ: Anh gì đó ơi, em mời anh đến thăm Công viên du lịch Hòa Bình… Ở nơi đây không có cảnh bơi thuyền trên bến Ngự, em tin là anh sẽ được hài lòng với cảnh sắc nên thơ (-)
NAM: Lời của cô làm cho lòng tôi tràn ngập ước mơ, tôi… tôi hy vọng là cảnh kia dễ thương và cũng đẹp như người. Tôi biết, Công viên Hòa Bình huyện Long Khánh, Tỉnh Đồng Nai nơi du lịch tuyệt vời đã một thời vang bóng.
NỮ: 2 - Anh ơi, anh có thấy vui chăng, với không khí ngày xuân sáng trong mát mẻ, mang hơi lạnh của ngày cuối năm chẳng khác chi nơi Đà Lạt. Với hàng dừa xỏa tóc nghiêng nghiêng bên hồ im bóng, ngan ngát hương đưa của miền trăng nước sông Tiền…
NAM: Những dị thảo kỳ hoa từ khắp mọi miền… Ai không khỏi bồi hồi trước muôn hoa khoe sắc, và… và ai không khỏi xao xuyến tim mình trước ánh mắt của giai nhân (-)
NỮ: Cái anh này sao cứ nói chuyện vần lân, người ta nói thật mà anh cứ dùng lời trêu cợt hà!
NAM: Thì thôi, nói gần nói xa chẳng qua nói thiệt, tôi… tôi nghe thấy tim mình như xao xuyến bóng hình ai.
NAM: (nói) –Em, em gì đó ơi! Cho anh biết tên đi.
NỮ: Thôi đi, tên em… nghe xấu lắm!
NAM: Xấu anh cũng thương nữa! Anh nói em nghe, điều quan trọng là đẹp ở tấm lòng. Với lại, ông bà xưa có câu nói này nè,
NỮ: Câu gì vậy anh?
NAM: Ông bà nói… vợ xấu là vợ của mình. Còn vợ đẹp là vợ của…
KHỐC HOÀNG THIÊN
Người ta… Nên anh yêu cái gì xấu nhất.
NỮ: Xí, nghèo mà ham! Ai có yêu anh mà anh vội nói nè!
NAM: Thôi mà em trước lạ, sau quen
Cho biết tên đi dấu giếm làm gì?
NỮ: Tên của em nghe… kỳ lắm anh ơi!
NAM: Anh đã nói là anh yêu cái xấu mà thôi
NỮ: Tên của em nó… dài nhằng vậy đó!
Anh nghe đừng cười, em mới nói à nghen
Tên của em là A Lý Phượng Tuyền
Trời, tên gì mà giống hệt cải lương
Ờ, mà thấy cũng hay hay, anh hỏi A Lý Phượng Tuyền
Chẳng hay có nơi nào đính ước nhân duyên?
(nói) -Có chưa vậy em?
II
NỮ: Anh hỏi thiệt kỳ ghê… Làm em đây mắc cỡ
Em chưa biết gì anh ơi, em còn nhỏ
Chỉ biết sớm chiều công việc được giao
Em là công nhân viên tại nơi này
NAM: Như vậy là em chưa biết yêu ai
Ôi, thật là may mắn cho anh
A Lý Phượng Tuyền ơi, anh vẫn còn cô độc
Kiếp sống phiêu bồng, đời gạo chợ nước sông
Nếu em không chê anh là kẻ cơ hàn
Anh nguyện trọn đời sống cạnh bên em
NỮ: Anh hỏi, làm cho em thật khó trả lời
NAM: Thì em cứ gật đầu là anh vui
(nói tiếp) –Em gật đầu đi, gật đầu cho anh mừng đi em.
NỮ: (nói e ấp) –Em không gật đầu mà… mà em… ừa đó!
NAM: A Lý Phượng Tuyền em chạy đi đâu, đố em thoát được anh đó. Đó, anh bắt được rồi, em còn chạy nữa thôi.
NỮ: Ai biểu… ai biểu anh nói thương người ta làm chi?
NAM: Cũng may… là anh nói thương em chỉ có một lần. Nếu mà nói mười lận như vậy, chắc là anh phải đến phòng Thể dục - Thể thao quá hà!
NỮ: Chi vậy anh?
NAM: Để đăng ký chạy đua.
NỮ: Á, cái anh này kỳ hôn, Thôi, mình vào sở thú dạo một vòng đi anh.
NAM: Ồ, ao cá sấu đẹp quá A Lý Phượng Tuyền ơi!
VỌNG CỔ
NỮ: 5 - Anh ơi, anh có thấy lòng rộn vui khi bước chân vào sở thú. Kìa là chú gấu hung hăng đang biếng lười say ngủ, hay nhớ lại ngày xưa nơi chốn rừng xanh núi biếc, mây ngàn…
NAM: Hay chàng ta nhớ lại thời liệt oanh hống hách, ngang tàng… Một tiếng gầm tựa sấm vang làm cho muôn loài khiếp đảm, lại phải chịu giam mình để cho người ta xem là một trò vui (-)
NỮ: Và kia, là chú Khỉ bên nhau đùa giỡn vô tư, mặc cho số phận hôm nay, ngày mai và mãi mãi.
NAM: Chim Đại bàng mặt ủ, mày ê với niềm đau tê tái, rằng đôi cánh của ta từng che khuất bóng mặt trời.
NỮ: 6 - Đêm đã xuống rồi mời anh tạm dừng chân, khách sạn Hòa Bình là nơi ân cần lịch sự. Đầy đủ tiện nghi với các món ăn đặc sản, do đầu bếp lành nghề đâu có kém gì nơi phố thị phồn hoa.
NAM: Công viên du lịch Hòa Bình là nơi dừng chân lý tưởng cho khách đường xa, cũng là nơi được mọi người yêu mến. Cho dù ai kia có đi khắp mọi miền đất nước, xin một lần ghé thăm Công viên du lịch Hòa Bình (-)
NỮ: Đất nước mình nơi nào cũng đẹp cũng xinh, quê hương mình từng bước đi lên với vòng tay rộng mở.
NAM: Cho cây lá thêm xinh, cho mây lành nắng đẹp, cho Công viên du lịch Hòa Bình chào đón khách phương xa.
----------
Nhân đây, tôi xin mạn phép ghi lại câu hỏi của hai thính giả đã biên thư hỏi chương trình Câu lạc bộ Âm nhạc dân tộc, do cố soạn giả Hải Đăng lúc sinh thời làm chủ nhiệm.
Bạn Huỳnh Thị Mỹ Phương ở huyện Mỏ Cày, Tỉnh Bến Tre hỏi: “Xin cho biết tác giả A Lý Phượng Tuyền thường viết vọng cổ cho đài Thành phố là Nam hay Nữ?”
-Câu lạc bộ Âm nhạc dân tộc trả lời: “Nghe bút danh A Lý Phượng Tuyền nhiều người nghĩ đó là Nữ giới, nhưng thực sự là Nam giới”
Bạn Nguyễn thị Nữ ở Đồng Xoài, Bình Phước hỏi: “Xin cho biết tác giả A Lý Phượng Tuyền là người dân tộc gì? Năm nay bao nhiêu tuổi?”
-Câu lạc bộ Âm nhạc dân tộc trả lời:
-Bạn Nữ thân mến! Tác giả A Lý Phượng Tuyền là người miền Nam, năm nay khoảng 40. Nghe bút danh của anh, nhiều người nghĩ là người Hoa, người dân tộc. Đây cũng là bút danh khá ngộ nghĩnh, A Lý Phượng Tuyền sáng tác rất hăng, và là một trong những tác giả viết vọng cổ khá mượt mà được nhiều người ưa chuộng. Mến! (Tất cả nguyên văn, hiện còn trong băng tôi đang lưu giữ)
Đây cũng là tấc lòng tri ân của riêng tôi xin gởi đến quí thính giả nghe đài, mà hơn hai chục năm qua đã quan tâm đến bút hiệu A Lý Phượng Tuyền. Bài ca này và chặp Cải lương “Ngọc Hoàng nổi giận” đã được thực hiện dĩa CD. (sang lại từ băng cassette qua dĩa CD ở phòng thu Khải Hoàn - Sài Gòn mà tôi lưu giữ suốt 21 năm qua. 1994 -2015) Nay, tôi xin được mạn phép gởi tặng đến quí vị yêu vọng cổ cải lương trên trang web “Vọng cổ đồng quê” để gọi là đáp lại tình nghĩa tri âm. Xin quí vị vui lòng điện thoại số 0903 381 443 tôi sẽ kính gởi tặng đến quí vị 20 dĩa CD có bài ca này và chặp cải lương “Ngọc Hoàng nổi giận” (cùng một CD) trong thời gian sớm nhất. (quí vị không phải tốn kém bất kỳ một chi phí nào)
Trân trọng.
Soạn giả A Lý Phượng Tuyền
A LÝ PHƯỢNG TUYỀN là bút danh của Soạn Giả Cổ Nhạc Thái Quốc Thế Nguyên. Sáng tác thơ, truyện ông dùng bút danh Dạ Ngân Châu và tên thật.
Ông sanh năm 1949 tại xã An Thuận, quận Thạnh Phú, Tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre). Từ nhỏ, thân phụ ông đem gia đình lên định cư ở Thị Xã Mỹ Tho.
A Lý Phượng Tuyền là con trai Út (ông thứ 11 và còn thêm một người em gái) của Nhà Thơ Chánh Đạo Thái Vinh Tông và Bà Võ Thị Sáu. Ông là bào đệ của Nhà báo, văn thi sĩ Thái Quốc Mưu (Liêu Tiên Sinh) và, văn thi sĩ Kha Tiệm Ly (Thái Quốc Tế). Anh em ông đều thông thạo Hán-Việt. Trước năm 1975, ông phục vụ tại Tiểu khu Long Khánh, ngành Truyền Tin.
Tác phẩm đầu tay, bài thơ “Dặn Con Khi Thanh Bình” của ông được đăng trên tạp chí Nông Thôn Vùng Dậy”, của Tổng Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Đuốc Từ Bi của Phật Giáo. Sau đó, thơ ông đuọc đăng trên nhiều Nhật Báo ở Sàigòn.
Vì chiến sự ngày càng khốc liệt, do bận quân ngũ, ông không thể tiếp tục sáng tác. Sau 30.4.1975, ông về sinh sống tại xã Bàu Hàm 1, xuyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, trong cảnh khó nghèo. Mãi đến năm 1988 cuộc sống tạm ổn định, ông viết lại. Với chuyên đề Thơ Chua, Thơ Cay, Thơ Ngâm Dấm và Tiểu Phẩm. Đặc biệt là Cổ Nhạc.
Như chuyên đề đã định, văn thơ ông thường chống tiêu cực, châm chích tệ nạn xã hội và xây dựng đời sống,… đăng gần như thường kỳ trong mục Quán Cười Báo Lao Động Đồng Nai, báo Văn nghệ Thành phố HCM, báo Tuổi Trẻ Cười, tuyển tập Tuổi Hồng và các tập san như Thông Tin Đồng Nai, Văn nghệ Châu Đốc…v.v.
Về Cổ Nhạc ông đã có nhiều tác phẩm thành danh như: “Tâm Tình Cô Công Nhân”, “Hoa Cao Su” và vài mươi bài khác. Chặp cải lương “Ngọc Hoàng Nổi Giận” gây tiếng vang trong làng Cổ Nhạc. Hiện ông có trên 200 tác phẩm Cổ Nhạc. Soạn giả Viễn Châu từng ngậm ngùi nuối tiếc: “A Lý sinh chẳng phùng thời”.
Từ năm 1995 đến 2005, năm nào ông cũng đoạt 3, 4 giải thưởng sáng tác Cổ Nhạc, do các tỉnh, thành tổ chức. Trong đó có giải Huỳnh Văn Nghệ, 5 năm tổ chức một lần. Nhờ vậy, đời sống ông khấm khá hơn.
Soạn giả Cổ Nhạc A Lý Phượng Tuyền được các đài truyền hình Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai ghi hình tác giả và tác phẩm. Cá biệt, đài truyền hình Đồng Nai, chọn lọc và thực hiện VCD Tác Giả Tác Phẩm dành riêng ông.