MÁ VĨNH LONG
Đặng Thanh Huyền
Nói:
Về Vĩnh Long vào một ngày cuối năm
Nghe kể lại tấm gương hy sinh của Má…
Lý Con Sáo:
Má Vĩnh Long người mẹ anh hùng Việt Nam
Vết thương lòng riêng mang
Mấy mươi năm lửa đạn qua rồi
Dẫu chiến tranh Đất nước đẩy lùi
Nhưng Má suốt đời mòn trông nhớ thương
Các anh ra đi để gìn giữ biên cương
Chồng không về những đứa con vĩnh viễn xa
Nơi quê hương Má như bị cào xước thịt da...
Vọng Cổ:
Câu 01: Má… Là tiếng gọi thiêng liêng dành cho người mẹ Vĩnh Long anh hùng dân tộc. Dẫu vết tích chiến tranh có lặn lành máu thịt nhưng làm sao vá được trái tim Má nát tan đau đớn… căm… hờn.
Nỗi đau của người mẹ mất con, người vợ mất chồng.
Trước cảnh nước mất nhà tan giữa đêm trường nô lệ, Má đã âm thầm gạt bỏ nước mắt đau thương.
Để làm người chiến sỹ mưu trí lập công, dám đẩy lùi máy chém dẫu đôi tay Má yếu gầy.
Đã lấy thân mình cản xích xe tăng, với đại bác lưỡi lê vẫn đương đầu đọ sức…
Câu 02: Đất nước lâm nguy hai Miền chia cắt, như đời Má mất con vĩnh viễn xa chồng.
Đau đớn lẫn pha muôn nỗi căm hờn.
Má đâu ngại gian nguy đào hầm giấu nuôi bộ đội, phải đối đầu với kẻ thù luôn chước quỷ mưu ma.
Dù bị địch bắt giam cầm tra tấn dã man, nhưng vẫn kiên gan không hề khuất phục.
Giữ vững khí tiết kiên trung của người cộng sản, để sưởi ấm triệutim hồng đã dũng cảm hy sinh…
Nói Lối:
Má kéo khăn vội lau dòng nước mắt
Dẫu lệ không còn bởi khô cạn từ lâu
Vết thương lòng theo năm tháng hằn sâu
Cứ quyện hòa nhói đau cùng hương khói…
Vọng Cổ:
Câu 05: Đất nước hòa bình mấy mươi năm nhưng hậu quả chiến tranh như vẫn còn nguyên vẹn đó. Để vết thương lòng của Má vĩnh viễn nặng mang trong từng hương khói… âm… thầm.
Vẫn đau đáu kỷ niệm xưa không chút phai mờ.
Ôi sự hy sinh âm thầm mà vĩ đại, đã viết nên trang sử vàng chói lọi của non sông.
Tổ quốc Việt Nam trải qua bao cuộc máu lửa trường chinh, các mẹ đã gánh cả giang sơn trên đôi vai gầy guộc.
Từ dòng máu anh hùng bà Trưng bà Triệu, đến nữ tướng Bùi Thị Xuân làm khiếp đảm quân thù…
Câu 06: Tổ quốc muôn đời ghi khắc mãi công ơn, những mẹ anh hùng cống hiến trọn đời cho Đất nước.
“Uống nước nhớ nguồn”; “đền ơn đáp nghĩa”, là đạo lý muôn đời phải phụng dưỡng chăm lo.
Con gọi ngọt ngào ba tiếng "Má Vĩnh Long", đã thầm lặng hy sinh ôimột tấm lòng cao cả.
Là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một hình ảnh thiêng liêng giá trị trường tồn.
Ngâm thơ:
Hôm nay Đất nước thanh bình
Vĩnh Long có Má nghĩa tình nặng sâu
Nhớ thương nhuộm bạc mái đầu
Cho con chia xớt vạn sầu Má ơi!.
Long Xuyên, ngày 07 tháng 01 năm 2015.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---