SAY TÌNH XỨ SỞ
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối:
Quê hương anh có dòng sông bến nước
Có câu hò điệu lý yêu thương
Cứ mỗi chiều anh đứng đợi nơi đây
Để đón tình em trên sóng chòng chành lả lướt…
Vọng Cổ:
Câu 01: Rồi được đến quê em không còn mơ ước nữa. Ôi mảnh đất Trà Vinh ngọt ngào chan chứa có người con gái thơ ngây nhẹ bước... ra... chào.
Mà ngỡ mình đang trong giấc mộng mơ màng.
Trở lại quê em dù chưa lần nào được đến, vì tưởng ghé lâu rồi trong giấc ngủ đêm đêm.
Em ngọt ngào tựa một nàng tiên, đã xóa hết những ưu tư thổn thức trong lòng.
Ta đưa nhau về nơi bến nước dòng sông, càng thấy yêu hơn say tình xứ sở...
Câu 02: Từ quê anh nước xuôi dòng xiết chảy, qua mấy bận nhớ thương mới được đến nơi này.
Lòng ngẩn ngơ ôm thương nhớ đong đầy.
Có phải em cũng chờ anh qua mấy mùa thương nhớ, cho chảy âm thầm dòng lệ chờ mong.
Xin đừng hờn trách nữa nghe em, dù muốn về thăm nhưng vẫn hoài lỗi hẹn.
Về Trà Vinh say tình yêu xứ sở, và ánh mắt tiếng lời ngào ngọt của người thương...
Nói Lối:
Ngày mới quen yêu Trà Vinh mơ mộng
Yêu mối tình đầu ta dành trọn cho nhau
Em nói rằng yêu lắm Vĩnh Long
Muốn sánh duyên cho hai miền quê xứ sở...
Vọng Cổ:
Câu 05: Nhớ lại ngày nao bên dòng sông bến nước. Nơi Vĩnh Long thuở ban đầu ta gặp em thầm nói yêu thương điệu lý… câu… hò.
Em là con gái Trà Vinh chân chất thiệt thà.
Nên không thích phấn son đua đòi ăn diện, chỉ đứng thẹn thùng má ửng hồng thêm.
Rồi nép vào anh nghe từng nhịp đập con tim, hai nửa tâm hồn quyện hòa chung thành một.
Chỉ nhìn nhau không thốt nên lời thương mến, càngsâu nặng luyến lưu trong giây phút xa rời…
Câu 06: Tình chúng mình như dòng nước ngọt ngày đêm, cứ xiết chảy vào tim cho đầy thêm nhung nhớ.
Hãy nguyện cầu trời cao nối liền xứ sở, để không còn chỉ là mãi giấc mơ.
Em đóa hoa ngạt ngào trong gió tỏa hương, bay lén vào tim lòng vấn vương muôn thuở.
Cho anh ngập đầy men say xứ sở, thưa chuyện má ba rước dâu trên bến nước quê nhà.
Ngâm thơ:
Trà Vinh em đẹp mặn mà
Vĩnh Long anh muốn ghé qua thăm nàng
Chuyến xe hoa chở vạn ngàn
Yêu thương tha thiết nồng nàn thủy chung./.
Trà Vinh, ngày 12 tháng 01 năm 2003.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---