EM LÀ CON GÁI TÂY NINH
Đặng Thanh Huyền
(* Tặng Nghệ sỹ Nguyễn Hương)
Ngâm Thơ:
Nữ : Trảng Bàng bánh tráng phơi sương
Bà Đen ngọn núi vấn vương lòng người…
Lý Cái Mơn:
Nam: Về Tây Ninh miền quê yêu dấu
Nắng gió quanh năm cho người con gái đẹp xinh
Dáng thướt tha lòng son sắt thủy chung muôn đời…
Nữ: Này anh ơi hãy về quê em
Ghé qua núi Bà Đen
Thăm một lần địa danh Tòa Thánh Tây Ninh…
Vọng Cổ:
Câu 01: Mẹ nói ai tắm dòng nước Vàm Cỏ Đông đều đẹp xinh duyên dáng. Và được sinh ra trên mảnh đất anh hùng bom cày đạn xới thì lòng dạ sắt son chung thủy đến… muôn… đời.
Nam: Là nơi Trung ương Cục miền Nam chống Mỹ năm nào.
Tây Ninh quê hương là thủ đô kháng chiến, ca khúc khải hoàn giành độc lập tự do.
Nữ: Em sinh ra thời bình không lửa đạn bom rơi, nênmãi nhớ công ơn những anh hùng ngã xuống.
Nam: Để cho quê nhà giàu đẹp hôm nay, tiếp tục dựng xây bằng những bàn tay khối óc…
Câu 02: Ngọn núi hùng vĩ lớn cao như khát vọng người dân xứ sở, từng bước vươn xa phát triển không ngừng.
Nữ: Em là con gái Tây Ninh luôn hãnh diện tự hào.
Xưa cha anh đã lấy máu xương mình tô thắm, cho mảnh đất anh hùng đứng dậy hiên ngang.
Nam: Để rạng ngời những thắng cảnh danh lam, Thánh Thất Cao Đài nguy nga tráng lệ.
Hồ Dầu Tiếng một công trình nhân tạo, mãi là niềm tự hào của đất Mẹ Tây Ninh…
Nói Lối:
Nữ: Về Châu Thành lòng chợt nhớ Tân Biên
Ghé Tân Châu thương Trảng Bàng yêu dấu…
Nam: Đêm Dương Minh Châu anh tơ tưởng Bến Cầu
Đang Hòa Thành – Gò Dầu sợ bước chân lưu luyến…
Vọng Cổ:
Câu 05: Có phải sáng mai em đưa anh về thăm thành phố trẻ. Để ngắm nhìn những công trình đang dựng xây ngày đêm hối hả trên mảnh đất Tây Ninh đón đợi… xuân… về.
Nữ: Rực rỡ cờ hoa giăng khắp nẻo đường.
Nam: Khi muôn cánh én bay về hân hoan chao liệng, thêm rộn rã phố phường Ninh Thạnh – Ninh Sơn.
Nữ: Thành phố kiên cường vượt qua vết tích chiến tranh, phát triển vững bền phồn vinh muôn thuở.
Nam: Đang Tân Châu sao nhớ Bến Cầu da diết, tơ tưởng bóng hình ai người con gái Châu Thành…
Câu 06: Dẫu mới lần đầu về với quê em, nhưng chan chứa yêu thương tình đất tình người xứ sở.
Nữ: Hoa nở ngát hương nơi ngày xưa bom cày đạn xới, cho lòng người luôngiữ vẹn sắt son.
Nam: Anh đã yêu rồi người con gái Tây Ninh, yêu Vàm Cỏ Đông chở nét dịu dàng duyên dáng.
Nữ: Sánh bước bên anh trên con đường thênh thang trải rộng, nghe hơi thở mùa xuân đang réo gọi nhau về.
Ngâm thơ:
Nam: Khắp nơi nhựa sống tràn trề
Trên thành phố trẻ tư bề sắc xuân…
Nữ: Em là con gái Tây Ninh
Tự hào hãnh diện quê mình hùng anh./.
Long Xuyên, ngày 07 tháng 01 năm 2015.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---