TÂY TIẾN
Thơ: Quang Dũng
Vọng cổ: Đặng Thanh Huyền
Ngâm Thơ:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi”
Lý Con Sáo:
Miên man nỗi nhớ nồng nàn Sài Khao
Nơi núi rừng hoang vu
Ôi Pha Luông – Mường Lát sương mù
“Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Tây Tiến binh đoàn hành quân hiểm nguy
Luôn quyết tâm vì Tổ quốc ra đi
Dẫu Hà thành đang tuổi thanh xuân
Dâng hiến máu xương hy sinh chẳng hề chi…
Vọng Cổ:
Câu 01: Nơi các anh đi là rừng thiêng nước độc. Giữa màn đêm sương giăng dầy đặc không nhìn rõ mặt nhau vẫn chung ý chí… kiên… cường.
Tây Bắc hoang vu hiểm trở núi rừng.
Đang đợi những chàng trai Hà thành trí thức, trả nợ tang bồng đất nước quê hương.
Hình ảnh người lính anh hùng lẫm liệt oai phong, bước hiên ngang “ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”.
Một bức tượng đài bất tử ngàn năm, được dựng lên giữa thời chiến tranh khói lửa...
Câu 02: “Anh bạn dãi dầu không bước nữa - Gục lên súng mũ bỏ quên đời”.
“Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi”.
Bao gian khổ hiểm nguy phủ đầy người lính, đến giây phút cuối cùng súng vẫn cầm tay.
Nhẹ tựa lông hồng khi đón nhận hy sinh, “bỏ quên đời” vì giang sơn gấm vóc.
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ - Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”…
Ngâm Thơ:
“Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”.
Vọng Cổ:
Câu 05: Xin thắp nén tâm hương gửi những anh hùng ngã xuống. Dẫu “áo bào thay chiếu anh về đất” nhưng còn mãi vọng vang khúc hát… quân… hành.
“Mồ viễn xứ” biên cương hồn chẳng quay về.
Để mãi “mắt trừng gửi mộng qua biên giới - Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.
Niềm nhớ thương dâng trào hướng về đất Thủ đô, tựa cha ông “từ thuở mang gươm đi cứu nước”.
Tây Tiến binh đoàn cận kề làn ranh sinh tử, vẫn khí phách hiên ngang ngạo nghễ oai hùng...
Lý Cái Mơn:
Vì non sông thề không lui bước
Chiến đấu hy sinh quên đời xương máu thanh xuân
Sáng lung linh người chiến sỹ kiên trung anh hùng
“Sông Mã gầm lên khúc độc hành” dội vang
Người đi “chẳng tiếc đời xanh”
Để sơn hà thắm tươi muôn thuở ngàn năm…
Câu 06: Các anh đã hy sinh để cho hồi sinh Đất nước, như ngọc sáng lung linh nhuộm máu đỏ tim lòng.
Ngâm Thơ:
Ra đi không hẹn ngày về
Non sông khói lửa lời thề nặng mang
Đoàn binh Tây Tiến hiên ngang
Máu màu đỏ thắm viết trang sử vàng./.
Long Xuyên, ngày 13 tháng 01 năm 2015.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---